WHO cảnh báo về sự lây lan của đại dịch COVID-19 tại châu Phi khi chứng kiến số lượng các ca bệnh tăng mạnh tại Nam Phi. (Ảnh: AFP)
Đại dịch COVID-19 đã lan sang 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận có thêm 192.451 ca nhiễm mới và 3.687 ca tử vong vì đại dịch. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 3.958.113 ca nhiễm COVID-19, trong đó 143.741 ca tử vong vì dịch bệnh.
Châu Âu tiếp tục là khu vực ghi nhận số ca lây nhiễm và tử vong nhiều nhất vì đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Hiện, số người nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 2.687.889 người, với 199.339 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 12.993 ca nhiễm mới và 225 ca tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế.
Nga là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực. Quốc gia này ghi nhận đã có 777.486 ca mắc COVID-19 và 12.427 ca tử vong vì dịch bệnh. Giới chức Nga thông báo đã ghi nhận thêm 5.940 ca nhiễm mới COVID-19 trong một ngày. Số ca tử vong cũng tăng thêm 85 ca.
Tây Ban Nha, Anh, Italy lần lượt là các quốc gia xếp sau Nga về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 trong khu vực với lần lượt là 311.916; 295.372 và 244.624 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được vào thời điểm hiện tại. Hiện Anh là quốc gia đứng đầu châu lục và thứ 3 thế giới về số ca tử vong do dịch COVID-19, với 45.312 trường hợp.
Châu Á, đã có tổng cộng 3.459.546 ca nhiễm và 81.121 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 62.297 ca mắc mới và 1.226 trường hợp tử vong. Riêng tại châu Á, có 2.458.908 ca được điều trị khỏi; 919.517 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 19.613 ca bệnh nặng.
Trong khi Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 20-7, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 36.810 ca mắc và 596 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 1.154.917ca và 28.099 ca.
Iran là quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 tại châu lục. Ngày 20-7, giới chức y tế Iran xác nhận các trường hợp COVID-19 ở nước này đã lên tới 276.202 người, sau khi có thêm 2.414 trường hợp mới ghi nhận trong ngày. Nước này cũng ghi nhận có thêm 217 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại Iran lên 14.405 trường hợp.
Tại Đông Nam Á (ASEAN), đến hết ngày 20-7, khu vực này ghi nhận thêm 3.360 ca mắc mới và 100 ca tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, khu vực ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19.
Hiện, Indonesia vẫn đang là quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca mắc và tử vong vì COVID-19 với 88.214 ca nhiễm và 4.239 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 20-7, Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận 1.693 ca nhiễm mới và 96 ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này cùng ngày thông báo số ca mắc COVID-19 tại đây đã tăng thêm 1.521 ca, lên 68.898 ca. Trong khi đó, số ca tử vong trên toàn Philippines đã tăng thêm 4 ca lên 1.835 ca.
Hiện Việt Nam, Campuchia, Lào và Timor-Leste vẫn chưa ghi nhận có trường hợp tử vong nào vì COVID-19. Tại Việt Nam, theo Bản tin 6h ngày 21-7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến nay, đã 96 ngày Việt Nam không có ca mắc mới trong cộng đồng.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 68.977 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 4.632.797 ca, tổng số người tử vong là 197.122 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 2.261,736 trường hợp, trong khi đó 2.173.939 ca đang được điều trị tích cực và 20.075 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 344.224 ca nhiễm và 39.184 ca tử vong. Tiếp đến là Canada với 111.124 ca nhiễm và 8.858 ca tử vong vì COVID-19.
Khu vực Nam Mỹ có tổng 3.299.134 ca nhiễm; 119.072 ca tử vong và 2.173.082 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 2 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính tới 6 giờ sáng 21-7, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 2.118.646 ca nhiễm, trong đó 80.120 ca tử vong. Peru xếp sau Brazil tại khu vực với 357.681 ca nhiễm và 13.384 ca tử vong vì dịch bệnh. Tiếp đến là Chile với 333.029 ca nhiễm và 8.633 ca tử vong vì COVID-19.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia, New Zealand và Fiji là các quốc gia trong khu vực ghi nhận có ca mắc mới vì COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 267 trường hợp mắc mới và 1 trường hợp tử vong vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh tại nước này lên tới 12.069 ca, trong đó số ca tử vong là 123 trường hợp. Australia được đánh giá là nước kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, tình hình số ca mới tăng mạnh gần đây đang làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai tại nước này.
New Zealand là quốc gia xếp ở vị trí thứ 2 sau Australia về số ca lây nhiễm, với 1.554 ca, trong đó 22 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc mới COVID-19. Tương tự, Fiji cũng ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc COVID-19 mới trong ngày 20-7, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này lên 27 trường hợp.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 738.950 ca mắc COVID-19, trong đó 15.459 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu lục, với 373.628 trường hợp, trong đó 5.173 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 9.300 ca mắc mới COVID-19 và 140 ca tử vong vì đại dịch. Ai Cập là quốc gia xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng tại khu vực khi ghi nhận có 88.402 ca nhiễm COVID-19 và 4.532 ca tử vong vì dịch bệnh.
Ngày 20-7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về sự lây lan của dịch COVID-19 tại châu Phi, nhấn mạnh rằng số lượng các ca bệnh tăng mạnh tại Nam Phi có thể là "điềm báo trước" về các đợt bùng phát dịch trên khắp "lục địa đen".
Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan nói: "Hiện tôi rất quan ngại rằng chúng ta đang bắt đầu chứng kiến một đợt gia tăng dịch bệnh ở châu Phi"…
Theo HOÀI HÀ (Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)