Chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 tại New York. (Ảnh: New York Times/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, đến 7h sáng 30/10 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 45,3 triệu bệnh nhân COVID-19, trong đó 1,18 triệu người đã tử vong.
Trong khi đó, hãng tin CNN thông báo trong 24 giờ qua, Mỹ đã có thêm 83.757 ca nhiễm mới COVID-19. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này.
Tại châu Âu, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc nhằm chặn đà gia tăng đột ngột số ca mắc mới COVID-19 tại nước này trong những ngày qua.
Phát biểu trước Hạ viện liên quan đến sắc lệnh mới về ngăn chặn dịch bệnh, Thủ tướng Conte nêu rõ đây là “thời điểm cần duy trì sự đoàn kết” trước diễn biến dịch bệnh nguy hiểm.
Ông nhấn mạnh chính phủ áp dụng các biện pháp mới nhằm hạ nhiệt tình hình dịch bệnh và giảm bớt khối lượng công việc đang đè nặng lên hệ thống y tế quốc gia.
Thủ tướng Conte đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang bùng phát nhanh chóng tại Italia, trong khi nhiều người dân lại xuống đường biểu tình để phản đối các biện pháp hạn chế mới.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) không nên đóng cửa biên giới, cho dù số ca mắc COVID-19 vẫn đang gia tăng từng ngày.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các nước thành viên EU, bà Merkel cho rằng các nước cần đoàn kết và phối hợp cùng nhau chống dịch bệnh nguy hiểm này, nhất là trong bối cảnh dịch đang gia tăng ở mức đáng lo ngại.
Theo bà Merkel, một trong những ưu tiên hiện nay là phải tiếp tục mở cửa biên giới để duy trì thông thương hàng hóa nội khối, qua đó giúp nền kinh tế vận hành ổn định.
Tại châu Phi, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, ông John Nkengasong cảnh báo khu vực này cần chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm thứ hai trong lúc số ca nhiễm tại châu Âu và một số nước châu Á tăng lên.
Phát biểu họp báo, ông Nkengasong nhấn mạnh đây chính là thời điểm phải sẵn sàng ứng phó với làn sóng thứ hai. Trước đó, châu Phi đã kiểm soát dịch rất tốt, khi số ca nhiễm đạt đỉnh vào tháng 7 và giảm dần. Tuy nhiên, xu hướng này đã bắt đầu chững lại.
Theo CDC châu Phi, cho đến nay, 55 nước thành viên của Liên minh châu Phi (AU) đã ghi nhận khoảng 1,7 triệu ca nhiễm, tương đương 3,9% tổng số ca nhiễm trên toàn cầu. Trong tháng qua, trung bình mỗi tuần số ca nhiễm trên toàn châu lục chỉ tăng 6%.
Giám đốc Nkengasong nhận định tình hình dịch bệnh tại châu Phi có sự khác biệt giữa các khu vực, khi số ca nhiễm mới tăng lên tại các khu vực phía Đông, phía Bắc và phía Nam châu Phi trong khi lại giảm tại phía Tây và miền Trung.
Tuy nhiên, ông Nkengasong cho rằng tất cả các nước cần tăng cường xét nghiệm và hệ thống giám sát cũng như thúc đẩy việc đeo khẩu trang nhằm phòng ngừa nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Khi đại dịch mới bùng phát, nhiều nước châu Phi đã áp đặt phong tỏa và hạn chế đi lại, song ông Nkengasong từng cảnh báo sẽ rất khó để tái áp đặt các biện pháp này khi ứng phó với làn sóng ca nhiễm mới.
Tại Iran, Bộ Y tế nước này thông báo đã ghi nhận thêm 8.293 ca nhiễm mới trong ngày 29/10, mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát. Hiện nước này đã có gần 600.000 ca mắc COVID-19 và hơn 34.000 ca tử vong.
Sau khi số ca nhiễm tăng mạnh trong những tuần qua, nhà chức trách Iran đã tái áp đặt các biện phòng dịch nghiêm ngặt tại thủ đô Tehran và một số thành phố lớn khác.
Theo TTXVN