COVID-19 tới 6 giờ sáng 4-2:

Thế giới xấp xỉ 105 triệu ca bệnh, trên 2,75 triệu người tử vong

04/02/2021 - 08:10

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 456.547 trường hợp mắc COVID-19 và 13.251 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm các chủng virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã lên trên 104,8 triệu ca bệnh.


Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 1-2-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 4-2 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 104.854.995 ca, trong đó có 2.275.712 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 76.719.991 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 25.859.292 ca và 106.811 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 3-2, thế giới có tới 112 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 104 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình vaccine.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 461.355 ca tử vong trong tổng số 27.137.034 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 154.734 ca tử vong trong số 10.790.909 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 227.563 ca tử vong trong số 9.339.256 bệnh nhân.

Các nước Mỹ Latinh và Caribe đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 vượt qua mức 600.000 ca. Cụ thể, khu vực Mỹ Latinh và Caribe, gồm 34 nước và vùng lãnh thổ tại Trung Mỹ, Nam Mỹ và Caribe, đã có 601.256 ca tử vong, trở thành khu vực ghi nhận số ca tử vong cao thứ 2 trên thế giới sau châu Âu với 747.887 ca. Vào thời điểm cuối tháng 12-2020, số ca tử vong tại Mỹ Latinh và Caribe là hơn 500.000 ca. Đáng lưu ý là số ca tử vong do COVID-19 tại Brazil và Mexico chiếm khoảng 50% trong số này.

Trong khi đó, trên toàn châu Phi có tổng cộng 3.579.368  ca nhiễm, trong đó có 91.524 ca tử vong, 3.074.154 ca đã được điều trị khỏi bệnh.

Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Phi, xét theo khu vực, vùng phía Nam châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất cả về số ca nhiễm và số ca tử vong, tiếp theo là khu vực Bắc Phi. Xét theo quốc gia, Nam Phi là nước ghi nhận số ca mắc nhiều nhất châu lục, tiếp theo là Maroc, Tunisia, Ai Cập, Ethiopia...

CDC cho biết đã triển khai hơn 12.847 nhân viên y tế cộng đồng được đào tạo và lực lượng phản ứng nhanh trên khắp châu lục kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống đại dịch.

Tại châu Âu, Chính quyền vùng Scotland (Anh) thông báo sẽ siết chặt nhập cảnh đối với người nước ngoài khi yêu cầu tất cả những người đến từ bên ngoài nước Anh thực hiện cách ly có quản lý. Biện pháp này được xem là gắt gao hơn, thậm chí trái ngược với với chủ trương của Chính phủ Anh công bố trước đó, sẽ có hiệu lực trong thời gian sớm nhất có thể nhằm ngăn chặn các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, chưa rõ biện pháp này có áp dụng với những người nhập cảnh vào Anh sau đó mới đến Scotland hay không.

Tại Hà Lan, trước tình trạng số ca nhiễm mới gia tăng nhanh chóng do biến thể mới, Thủ tướng nước này Mark Rutte cho biết sẽ gia hạn một số biện pháp hạn chế đến ngày 2-3 tới, thay vì kết thúc vào ngày 9-2 như ban đầu.

Theo đó, các trường học, cửa hàng không thiết yếu, quán bar và nhà hàng phải phải đóng cửa, mỗi hộ gia đình mỗi ngày chỉ được tiếp một vị khách. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ, đó là các trường học cấp 1 và một số cửa hàng sẽ hoạt động trở lại vào ngày 8-2 tới. Trong khi đó, lệnh giới nghiêm vẫn tiếp tục có hiệu lực đến ngày 10-2 và sẽ được xem xét gia hạn tùy theo khuyến cáo của giới chuyên gia.

Tại Áo, chính phủ nước này thông báo sẽ siết chặt biên giới để ngăn chặn người nước ngoài tới các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết tại nước này. Theo Bộ trưởng Nội vụ Karl Nehammer, an ninh sẽ được siết chặt tạo các khu nghỉ này ở dãy núi Alps và tại biên giới. Theo đó, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, bao gồm yêu cầu những người nhập cảnh phải khai báo với các nhà chức trách và thực hiện xét nghiệm theo tuần.

Do lệnh phong tỏa, các khách sạn, nhà hàng, quán bar, trường học và tất cả hoạt động kinh doanh không cần thiết phải đóng cửa trong nhiều tuần, chính phủ đã cho phép hệ thống cáp treo tại Alps hoạt động trở lại trước kỳ nghỉ Giáng sinh để phục vụ người dân trong nước. Tuy nhiên, hàng trăm khách nước ngoài vẫn tìm cách nhập cảnh trái phép vào Áo để tới các khu nghỉ này, hậu quả là một số ổ dịch COVID-19 đã xuất hiện tại đây.

Còn tại Romania, sau cuộc họp nội các, Tổng thống Klaus Iohannis thông báo phần lớn học sinh sẽ được quay trở lại trường học từ tuần tới sau 6 tháng đóng cửa. Hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên nước này thiếu máy tính hoặc không thể kết nối Internet để  học tập trực tuyến. Romania lần đầu tiên đóng cửa trường học từ tháng 3 năm ngoái khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Sau đó, các trường học đã mở cửa trở lại một thời gian ngắn vào mùa Thu trước khi lại phải đóng cửa để đối phó với đợt bùng phát thứ hai của dịch bệnh.

Tại khu vực Trung Đông, Saudi Arabia thông báo sẽ tạm cấm nhập cảnh đối với công dân của 20 quốc gia  trong bối cảnh số ca nhiễm mới gia tăng gần đây ở vương quốc vùng Vịnh này. Lệnh cấm có hiệu lực từ 21h ngày 3-2 (giờ địa phương).

Các quốc gia trong danh sách cấm gồm Argentina, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Đức, Mỹ, Indonesia, Ireland, Italy, Pakistan, Brazil, Bồ Đào Nha, Vương quốc Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Pháp, Liban, Ai Cập, Ấn Độ và Nhật Bản.

Tại Hàn Quốc, nước này đã có đối sách đặc biệt nhằm giảm lưu lượng di chuyển và sự tiếp xúc của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, các cửa hàng tại các trạm dừng chân ven đường cao tốc chỉ được phép bán hàng cho khách mang đi, hạn chế thời gian dừng đỗ và khuyến cáo người dân tự chuẩn bị đầy đủ nước uống và đồ ăn khi di chuyển. Bên cạnh đó, chính phủ quy định chỉ bán vé gần cửa sổ trên các phương tiện giao thông công cộng, trong khi tàu thủy sẽ chỉ chở số lượng người bằng một nửa so với thông thường.

Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch cung cấp thông tin về tình trạng giao thông theo thời gian thực và hướng dẫn phân làn đường bằng biển chỉ dẫn trên đường cao tốc. Chính phủ cũng quyết định thu phí cầu đường bình thường như đợt Trung thu năm ngoái và khoản thu từ phí cầu đường trong dịp Tết sẽ được dùng cho các mục đích cộng đồng như phòng chống dịch COVID-19.

Trong khi đó, chính quyền bang New South Wales (NSW) đông dân nhất của Australia cho biết sẽ nới lỏng các hạn chế phòng dịch đối với các nhà hàng và quán rượu trong tuần này sau khi ghi nhận 17 ngày không có ca nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng. Trước đó, bang NSW đã siết chặt các biện pháp hạn chế phòng dịch từ tháng 12 năm ngoái sau khi hơn 100 ca nhiễm được phát hiện tại phía Tây và Bắc bang.

Liên quan tới chương trình tiêm chủng, Singapore đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 do hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) bào chế. Dự kiến lô vaccine đầu tiên của hãng Moderna sẽ tới nước này vào tháng 3 tới.

Quyết định được đưa ra sau khi Cơ quan Khoa học y tế (HSA) Singapore đánh giá các dữ liệu lâm sàng sẵn có và kết luận rằng vaccine của Moderna đã chứng minh hiệu quả phòng bệnh cao tới 94%, với lợi ích vượt trội so với nguy cơ rủi ro. Con số này dựa trên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được thực hiện trên 30.000 người trong độ tuổi từ 18 tới 95.

Còn Pakistan đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc với các nhân viên y tế sẽ sử dụng khoảng 500.000 liều vaccine phòng COVID-19 của Sinopharm do Trung Quốc tài trợ. Pakistan cũng đã được đảm bảo nhận 17 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca (Anh) trong một chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX cho các quốc gia đang phát triển. Khoảng 6 triệu liều sẽ được cung cấp cho nước này đến cuối tháng 3 và số còn lại vào giữa năm nay.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 3-2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 18.642 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 45.820 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận thêm 11.984 ca COVID-19 và 189 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 1.111.671 ca và 30.700 ca.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 68 người thiệt mạng. Sau mấy tuần hạ nhiệt, Philippines lại đứng trước lo ngại sóng dịch tái phát khi số ca tử vong tăng cao mấy ngày gần đây. Philippines cũng đứng thứ 2 châu Á về số ca tử vong ngày 3-2.

Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 4.284 ca bệnh mới, 18 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 3-2 ghi nhận thêm 795 ca bệnh mới, song không có ca tử vong.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 45.827 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 289 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.093.158 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.773.061 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Brunei và Campuchia không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.

Theo TTXVN/Báo Tin tức