Thể thao Việt Nam cần cải tổ toàn diện

04/08/2021 - 07:49

Thiếu kinh phí, đầu tư dàn trải, thiếu chuyên gia (huấn luyện, dinh dưỡng, y tế) và ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là những nguyên nhân khách quan và chủ quan chính khiến thể thao Việt Nam không thể có huy chương tại Olympic Tokyo 2020 như kỳ vọng.

Võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền thi đấu tại Olympic Tokyo 2020.

Niềm hy vọng số một của thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 là VĐV Hoàng Thị Duyên ở môn cử tạ, nhưng cô chỉ xếp thứ năm ở hạng 59 kg nữ. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân việc tuyển thủ này không thành công là vì chấn thương của cô. Duyên tới Olympic năm nay khi mới hồi phục chấn thương đầu gối và chưa đạt phong độ tốt nhất.

Đối với những VĐV vừa hồi phục chấn thương thì khi cơ bắp vận động đến ngưỡng chịu đựng sẽ sản sinh những phản ứng để tự bảo vệ. Tâm lý của VĐV mới hồi phục chấn thương cũng khiến họ lo lắng, bên cạnh sức ép ở các cuộc thi lớn sẽ có tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích thi đấu. Nếu như được điều trị phục hồi sớm hơn, thành tích của Duyên tại Thế vận hội này nhiều khả năng sẽ được cải thiện. Ngoài ra, các VĐV cử tạ Việt Nam còn không có các chuyên gia nước ngoài dẫn dắt trong suốt năm qua vì nhiều lý do như: chưa tìm được chuyên gia phù hợp, thiếu kinh phí để thuê chuyên gia giỏi, không đạt được thỏa thuận về công việc với chuyên gia…

Trong khi đó, nếu nhìn vào các nước ASEAN như Philippines chẳng hạn, ngoài nỗ lực cá nhân của VĐV cử tạ Hidilyn Diaz giúp anh giành HCV Olympic là cả một hệ thống với bốn HLV phụ trách chuyên môn, dinh dưỡng, y tế và tâm lý hỗ trợ đắc lực. Nếu có một hệ thống huấn luyện và hỗ trợ tốt như vậy, có thể đô cử Thạch Kim Tuấn của chúng ta đã ra về với kết quả tốt hơn. Bên cạnh việc thiếu chuyên gia về y tế, Việt Nam còn thiếu cả chuyên gia dinh dưỡng. Trong quá trình tập huấn để chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020, đã có những khoảng thời gian kéo dài cả tháng, các VĐV của đội tuyển cử tạ chỉ được ăn chế độ cơm hộp 30 nghìn đồng/bữa khi bị cách ly, tác động tiêu cực tới thể lực của họ. Rồi đại dịch Covid-19 khiến các đội tuyển không thể tập huấn và thi đấu ở nước ngoài.

Ở môn bắn súng, sau khi giành HCV tại Olympic Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh không còn giữ được phong độ đỉnh cao vì áp lực tâm lý. Tuyển thủ này thậm chí còn không được cử đi tham dự giải đấu tuyển chọn vì thành tích sa sút so với các đồng đội. Bởi thế, khi anh vẫn tham dự Olympic Tokyo 2020 bằng suất vé mời rồi không đạt thành tích như kỳ vọng, đã xảy ra tranh cãi về việc tại sao không ưu tiên cho các tài năng trẻ để họ được cọ xát hướng tới tương lai.

Xem ra, việc đầu tư cho các tài năng trẻ của thể thao Việt Nam cũng bị xem là chưa thỏa đáng vì thiếu kinh phí và dàn trải. Được biết, để chuẩn bị cho SEA Games 31 tại Việt Nam dự kiến vào cuối năm nay (hiện đã bị hoãn sang năm 2022), từ đầu năm 2021 ngành thể thao đã tập trung hơn một nghìn lượt VĐV chứ không phải tập trung hoàn toàn cho các VĐV có khả năng giành huy chương tại Olympic Tokyo 2020.

Sau nhiều kỳ tham dự Thế vận hội, có cả thành công và thất bại, những người có trách nhiệm của ngành thể thao Việt Nam cần nhìn nhận và phân tích kết quả thi đấu của Đoàn thể thao nước nhà tại Olympic Tokyo 2020 để có được những kết luận xác đáng, từ đó có những thay đổi mang tính chiến lược, bài bản và khoa học nếu muốn thể thao nước nhà vươn tầm. Bởi chúng ta không chỉ đặt mục tiêu ở Olympic mà còn ở ASIAD, các giải vô địch thế giới và SEA Games.

Theo MINH GIANG (Nhân Dân)