Màn pháo hoa ấn tượng tại lễ bế mạc SEA Games 32 trên sân vận động quốc gia Morodok Techo của thủ đô Phnom Penh, Campuchia tối 17/5/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Đây là lần đầu tiên, nước ta đứng đầu bảng tổng sắp huy chương ở một kỳ SEA Games tổ chức ở nước ngoài sau 2 lần giữ ngôi Nhất toàn đoàn trên sân nhà (năm 2003 và 2022). Sự kiện này cũng được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2023.
Thiết lập và phá nhiều kỷ lục SEA Games
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tham dự Đại hội lần này, Đoàn Thể thao Việt Nam không chỉ vượt chỉ tiêu số lượng huy chương vàng, mà một số môn thể thao và một số vận động viên đã đạt được những thành tích đặc biệt xuất sắc, phá 12 kỷ lục và thiết lập 4 kỷ lục SEA Games (2 kỷ lục môn bơi, 4 kỷ lục môn cử tạ, 6 kỷ lục môn lặn và thiết lập 4 kỉ lục môn lặn).
SEA Games 32 cũng xuất hiện nhiều vận động viên xuất sắc ở các môn thể thao Olympic. Trong đó, môn điền kinh, vận động viên Nguyễn Thị Oanh giành 4 Huy chương Vàng các nội dung: 1.500m; 3000m vượt chướng ngại vật, 5.000m và 10.000m. Ở môn bơi, vận động viên Phạm Thanh Bảo giành 2 Huy chương Vàng và phá 2 kỷ lục SEA Games, vận động viên Trần Hưng Nguyên và Nguyễn Huy Hoàng giành 3 Huy chương Vàng. Vận động viên Nguyễn Quốc Toàn môn Cử tạ giành 1 Huy chương Vàng, phá 3 kỷ lục SEA Games 32 (nội dung cử giật, cử đẩy và tổng cử). Đặc biệt vận động viên trẻ nhất Đoàn Thể thao Việt Nam - Lê Khánh Hưng đã giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc môn Golf. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử các môn Olympic giành được huy chương vàng tại SEA Games đánh dấu vào bản đồ thành tích của Đại hội: Golf (1 Huy chương Vàng) và bóng rổ 3 x 3 (1 Huy chương Vàng).
Theo Cục Thể dục Thể thao: Bước vào SEA Games 32, Thể thao Việt Nam gặp khá nhiều áp lực và khó khăn khi chủ nhà Campuchia cắt bỏ nhiều nội dung thế mạnh, đặc biệt là các môn nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic; hạn chế số lượng nội dung tham dự ở nhiều môn, nhất là môn võ; cộng thêm lịch thi đấu ở nhiều môn không thuận lợi. Bên cạnh đó, là áp lực từ việc các cường quốc thể thao trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia nhập tịch các vận động viên để cạnh tranh thành tích cao tại Đại hội lần này.
Vượt qua những áp lực đó, nhiều môn trong chương trình thi đấu của SEA Games và ASIAD như Karate hoàn thành vượt chỉ tiêu hay môn Aerobic đã giành trọn 5/5 Huy chương Vàng. Môn Điền kinh dù chỉ đoạt 12 Huy chương Vàng nhưng trong bối cảnh không có đầy đủ lực lượng mạnh nhất, những nỗ lực của các vận động viên Việt Nam vẫn rất đáng ghi nhận.
Phạm Thanh Bảo xuất sắc về nhất với thành tích 2 phút 11 giây 45, giành HCV và lập kỷ lục SEA Games mới. Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN
Tại Đại hội lần này, Đoàn Thể thao Việt Nam đã phá nhiều kỷ lục SEA Games. Ở môn bơi, Phạm Thanh Bảo giành 2 Huy chương Vàng, phá 2 kỷ lục SEA Games ở các nội dung bơi 100m và 200m ếch nam. Thành tích của kình ngư sinh năm 2001 này cũng đã không còn cách quá xa so với chuẩn B của Olympic Paris 2024. Tại môn Lặn, các vận động viên đã phá đến 8 kỷ lục SEA Games trong tổng số 14 Huy chương Vàng đã giành được. Trong số, vận động viên Nguyễn Trần San San để lại ấn tượng lớn nhất với 2 Huy chương Vàng và 1 kỷ lục khi mới chỉ 16 tuổi. Ở môn cử tạ, các nam vận động viên Trần Minh Trí và Nguyễn Quốc Toàn đã thiết lập 4 kỷ lục SEA Games mới. Trong đó Quốc Toàn một mình phá 3 kỷ lục ở cả cử đẩy, cử giật và tổng cử hạng 89kg nam...
Cục trưởng Cục Thể dục thể thao, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 Đặng Hà Việt cũng nêu rõ: SEA Games 32 không có những môn thế mạnh của Việt Nam như bắn cung, bắn súng, rowing, canoeing... Ngoài ra, ở các môn võ như Judo, Karate chúng ta chỉ được đăng ký thi đấu 70% số lượng nội dung thi đấu. Chính vì vậy, đánh giá về thành tích ở các môn Olympic cần có sự toàn diện. Đoàn Thể thao Việt Nam giành trên 50% các Huy chương Vàng ở các môn thể thao Olympic. Việc Đoàn Thể thao Việt Nam vượt chỉ tiêu huy chương đến từ sự nỗ lực hết mình và thi đấu thăng hoa của các vận động viên. Rất nhiều vận động viên dù lần đầu dự SEA Games và còn trẻ nhưng đã xuất sắc giành Huy chương Vàng, thậm chí phá kỷ lục Đại hội. Đây là nỗ lực chung của toàn thể vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia và các thành viên Đoàn Thể thao Việt Nam.
Dấu ấn quốc tế
VĐV bắn súng Việt Nam Phạm Quang Huy lần đầu tiên trong lịch sử giành Huy chương vàng tại Đại hội Thể thao châu Á - Asian Games. Ảnh: TTXVN
Một dấu ấn khác của thể thao nước ta trong năm 2023 là: Bắn súng Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành huy chương vàng tại Đại hội Thể thao châu Á - Asian Games. Thời khắc lịch sử được ghi vào ngày 28/9/2023 khi xạ thủ Phạm Quang Huy xuất sắc mang về chiếc Huy chương Vàng quý giá. Với điểm số 240,5 Quang Huy đã đánh bại xạ thủ Lee Won Ho (Hàn Quốc) trong loạt bắn chung kết để giành tấm Huy chương Vàng đầu tiên cho bắn súng Việt Nam ở đấu trường Asian Games. Đây cũng là Huy chương Vàng đầu tiên của Đoàn thể thao Việt Nam tại Asian Games 19 sau nhiều ngày chờ đợi. Đây không chỉ là thành tích có ý nghĩa lớn với bắn súng Việt Nam, động viên, khích lệ tinh thần thi đấu của các vận động viên trong những ngày thi đấu sau đó. Điều tuyệt vời, Quang Huy chính là con của xạ thủ lừng danh một thời của bắn súng Việt Nam - Phạm Cao Sơn (Hải Phòng), từng giành hơn 20 Huy chương Vàng SEA Games, mẹ anh cũng là một xạ thủ. Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống về thể thao, Phạm Quang Huy đã trở thành xạ thủ ghi danh vào lịch sử của bắn súng Việt Nam nói riêng và Thể thao Việt Nam nói chung.
Một điểm nhấn khác trong năm 2023 cần phải nhắc tới là Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tiên tham dự FIFA World Cup nữ 2023. Đây là bước tiến đáng trân trọng của bóng đá nữ Việt Nam. Mặc dù không thể vượt qua vòng loại do nhiều nguyên nhân, nhưng các “cô gái vàng” của Việt Nam đã thi đấu hết mình, mang hình ảnh đất nước, con người và tinh thần thi đấu thể thao chân chính ra với thế giới. Quốc kỳ Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện, quốc ca Việt Nam lần đầu tiên được vang lên tại World Cup 2023 mang lại tự hào rất lớn cho hàng triệu người hâm mộ quê nhà. Thầy trò Huấn luyện viên Mai Đức Chung chính là niềm tự hào to lớn của bóng đá Việt Nam, họ không chỉ đại diện cho màu cờ sắc áo của Tổ quốc trên đấu trường thế giới, mà còn là những người cầm ngọn đuốc thắp sáng niềm tin thay đổi toàn diện nền bóng đá nữ nước ta. Thông qua ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, Huấn luyện viên Mai Đức Chung và các học trò không chỉ khẳng định sự phát triển và hội nhập của bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế mà còn là những “sứ giả” quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Bước sang năm 2024 với thử thách lớn nhất là Olympic, đây là sân chơi tạo nên vị thế thực chất nhất với mỗi nền thể thao, việc giành được huy chương là mục tiêu vô cùng khó, với ngay cả những nền thể thao phát triển. Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu có nhiều suất tham dự Olympic, tăng tối đa cơ hội tranh chấp huy chương Thế vận hội. Tính đến thời điểm này, chúng ta có ba suất chính thức Olympic Paris 2024 gồm môn xe đạp (Nguyễn Thị Thật), bắn súng (Trịnh Thu Vinh) và bơi (Nguyễn Huy Hoàng). Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu là giành từ 12-15 suất tham dự Olympic, được tập trung ở các môn thế mạnh như xe đạp, bắn súng, bơi lội, điền kinh, cử tạ, thể dục dụng cụ, taekwondo, boxing, đua thuyền, bắn cung, cầu lông…
Theo TTXVN