Thêm cơ hội mua sắm, trải nghiệm tại thành phố du lịch Châu Đốc

27/07/2018 - 07:19

 - Từ ngày 27 đến 29-7-2018, khi đến công viên 30-4 Châu Đốc (tượng đài cá basa, đối diện Thành ủy - UBND TP. Châu Đốc), du khách sẽ được trải nghiệm nhiều dịch vụ hấp dẫn. Bên cạnh cơ hội tham quan, mua sắm đặc sản vùng, miền của 16 tỉnh, thành phố trong nước, du khách có thể tham gia miễn phí trò chơi đố vui có thưởng về địa danh An Giang, chụp và ghép hình lên những thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh hoặc vật phẩm lưu niệm có in cảnh đẹp, thưởng thức văn nghệ hàng đêm...

Dấu ấn kết nối giao thương

Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn (STTS) Tạ Minh Sơn cho biết, việc tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại công viên 30-4 Châu Đốc (từ ngày 27 đến 29-7-2018) mang nhiều ý nghĩa. “Đây là hoạt động kết hợp trưng bày và giới thiệu thành tựu 5 năm thành lập TP. Châu Đốc, đánh giá kết quả 5 năm “Kết nối giao thương” của Sở Công thương An Giang và STTS với các tỉnh, thành phố trong nước. Đồng thời, đánh giá kết quả 5 năm chương trình “Hàng Việt về nông thôn”, do UBMTTQVN tỉnh, Sở Công thương An Giang và STTS phối hợp tổ chức. Đây cũng là hoạt động thiết thực hướng đến kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2018)”- ông Sơn thông tin.

Do mang nhiều ý nghĩa đặc biệt nên sự kiện do STTS chủ trì tổ chức cũng diễn ra ở địa điểm đặc biệt: khu vực tượng đài cá basa - loài cá gắn với biểu tượng của TP. Châu Đốc. Ngay tại ngã ba sông Châu Đốc đang chuẩn bị vào mùa nước nổi, bốn bề lộng gió, du khách và người dân sẽ được chiêm ngưỡng những hình ảnh lưu dấu một thời của TP. Châu Đốc, tái hiện lại hoạt động kết nối giao thương của Sở Công thương An Giang cùng hành trình đưa hàng Việt về nông thôn của STTS.

Tại đây, hàng hóa đặc sản các vùng, miền cũng được trưng bày phong phú, đa dạng với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng tham quan, lựa chọn, mua sắm. Cùng với cơ hội được chụp ảnh và ghép ảnh lên thắng cảnh An Giang, ghép hình lên những vật phẩm lưu niệm có in cảnh đẹp nổi tiếng của tỉnh, du khách còn được trải nghiệm game show “Đố vui có thưởng”, vừa giúp tăng thêm kiến thức về địa danh An Giang, vừa nhận được những quà tặng hấp dẫn khi trả lời đúng…

Hấp dẫn thắng cảnh An Giang

Có thể nói, chương trình “Hàng Việt về nông thôn” là một trong những dấu ấn thành công của An Giang. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ buổi đầu xa lạ, bỡ ngỡ, người dân đã dần chuyển sang nhung nhớ, mong chờ chương trình do UBMTTQVN tỉnh, Sở Công thương An Giang và STTS phối hợp tổ chức.

“Qua 5 năm thực hiện (2013-2018), chúng tôi đã tổ chức được hơn 200 chuyến “Hàng Việt về nông thôn”, thu hút gần 285.000 lượt người tham quan, mua sắm, đạt doanh số trên 78 tỷ đồng. Đến nay, những chuyến “Hàng Việt về nông thôn” thu hút hơn 200 doanh nghiệp, nhà cung cấp, nhà sản xuất tham gia trưng bày, giới thiệu trên 6.000 mặt hàng. Đây là những thương hiệu hàng Việt đã khẳng định được uy tín, chất lượng, được STTS thanh toán bằng tiền mặt (không để phát sinh công nợ) để có giá cạnh tranh nhất trên thị trường. Những chuyến “Hàng Việt về nông thôn” luôn chú trọng mang hàng hóa chất lượng, giá hợp lý về cho người dân nông thôn nên rất được người tiêu dùng ủng hộ”- ông Tạ Minh Sơn khẳng định.

Đối với chương trình “Kết nối giao thương”, nhờ nỗ lực của Sở Công thương An Giang và STTS, qua 5 năm, hàng hóa chất lượng, mang tính đặc sản vùng, miền của 36 tỉnh, thành phố trong nước đã có mặt ở An Giang. Trong đó có 16 tỉnh, thành phố đã khẳng định được chỗ đứng đối với người tiêu dùng, gồm: Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Đồng Nai, Bình Thuận, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Thái Nguyên và Nghệ An. “Đến nay, STTS đã đưa vào hoạt động khu đặc sản vùng, miền (giai đoạn I) kết hợp cung cấp menu “cảnh đẹp An Giang”. Khách có thể mua những tấm ảnh đẹp, những vật phẩm lưu niệm có in thắng cảnh An Giang. Tại đây còn cung cấp dịch vụ chụp hình rồi lồng vào phôi ảnh có sẵn các cảnh đẹp nổi tiếng, lồng ghép lên các vật phẩm lưu niệm để khách mang về. Đây là một trong những cách quảng bá, tạo dấu ấn cho du lịch An Giang”- ông Sơn nhận xét.

Tại sự kiện đặc biệt diễn ra ở khu vực tượng đài cá basa - công viên 30-4 Châu Đốc (từ ngày 27 đến 29-7-2018), du khách tiếp tục có cơ hội trải nghiệm dịch vụ ghép ảnh vào thắng cảnh An Giang, lưu hình ảnh cá nhân, người thân, bạn bè lên những vật phẩm lưu niệm cùng cảnh đẹp nổi tiếng. Những hình ảnh về Bà Chúa Xứ núi Sam, cảnh đẹp núi Cấm, tượng Phật Di Lặc, chùa Vạn Linh, núi Két, đồi Tức Dụp, khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tượng đài Bác Tôn, cảnh hàng cây thốt nốt, ruộng đồng, sông, suối, đồi núi, biên giới, rừng tràm…trở nên lung linh, độc đáo hơn khi được lồng lên những chiếc quạt tay, ly thủy tinh, ly sứ, dĩa sứ, túi xách, túi giấy, móc khóa, đá nguyên thủy, đồng hồ, thủy tinh cao cấp, pha lê, áo thun…Càng độc đáo hơn khi có hình của chính du khách được lưu dấu trên những món quà lưu niệm.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN