Thêm món ăn tinh thần những ngày đầu năm

19/02/2021 - 06:52

 - Những ngày xuân về, Tết đến, cùng với nhiều hoạt động hành hương, vãn cảnh để du xuân… ngay ở trung tâm TP. Long Xuyên (An Giang) đã diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn, như: lễ hội hoa xuân (trên tuyến phố đi bộ Hai Bà Trưng, phường Mỹ Long), nhiều tuyến phố ẩm thực… Đặc biệt, để góp thêm món ăn tinh thần trong những ngày đầu năm, Bảo tàng tỉnh mở cửa trưng bày 5 bảo vật quốc gia và triển lãm “Sắc màu văn hóa dân tộc Chăm, Hoa, Khmer” phục vụ nhân dân.

Trong không gian tĩnh lặng, du khách có dịp tìm hiểu về nguồn cội khi tham quan trưng bày 5 bảo vật quốc gia và triển lãm “Sắc màu văn hóa dân tộc Chăm, Hoa, Khmer” tại Bảo tàng tỉnh. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động “Mừng Đảng - mừng Xuân” do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang tổ chức. Mở cửa từ 28 Tết, người dân được tham quan trưng bày 5 bảo vật quốc gia, gồm: tượng Phật đá, tượng Phật gỗ, tượng thần Brahma, bộ Linga - Yoni, bộ Linga - Yoni Linh Sơn. Đồng thời, được tìm hiểu “Sắc màu văn hóa dân tộc Chăm, Hoa, Khmer” cùng sinh sống, đoàn kết và phát triển trên địa bàn tỉnh An Giang.

Tượng Phật đá (niên đại thế kỷ VI-VII) bằng sa thạch hạt mịn màu xám nhạt, phát hiện ở xã Khánh Bình (An Phú); được công nhận “bảo vật quốc gia” đợt 8 năm 2019. Tượng Phật đá là một trong số rất hiếm hoi tượng Phật thuộc thời kỳ văn hóa Óc Eo còn nguyên vẹn và có thể được xếp vào nhóm những điêu khắc Phật giáo bằng đá còn nguyên vẹn, có độ hoàn thiện cao và tiêu biểu thuộc nền văn hóa này. Theo các chuyên gia, hiện vật có giá trị lớn trong việc nghiên cứu các mối quan hệ văn hóa, lịch sử, tôn giáo, giao lưu, trao đổi thương mại giữa ĐBSCL với khu vực và Ấn Độ…

Khách tham quan Bảo tàng tỉnh An Giang đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Tượng Phật gỗ (được phát hiện năm 1983 tại khu di tích Giồng Xoài, ấp Sơn Hòa, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) thuộc không gian phía Tây của Khu di tích Óc Eo - Ba Thê. Được công nhận “bảo vật quốc gia” đợt 8 năm 2019.

Theo các chuyên gia, tượng Phật gỗ thuộc nhóm hiện vật đặc biệt tiêu biểu và quý hiếm trong các di tích văn hóa Óc Eo ở ĐBSCL. Mặc dù tượng Phật gỗ được tìm thấy khá nhiều, nhưng tượng Phật gỗ Giồng Xoài nổi bật được xếp vào nhóm tượng Phật gỗ có kích thước lớn, song lại có số lượng hiếm hoi (chung nhóm với tượng Phật gỗ Gò Tháp, bàn tay tượng Phật bằng gỗ ở Nhơn Thành). Tượng Phật gỗ này nằm trong số ít hiện vật cùng loại còn nguyên dạng, có thể nhận diện rõ các đặc điểm chi tiết tiêu biểu so với các hiện vật cùng loại…

Tượng thần Brahma (niên đại Thế kỷ VI-VII) bằng sa thạch, được tìm thấy ở khu vực Giồng Xoài (khu di tích Óc Eo-Ba Thê, Thoại Sơn) vào năm 1983; được công nhận “bảo vật quốc gia” đợt 7 năm 2018.

Tượng thần Brahma là tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Tượng thể hiện chặt chẽ các đặc điểm quy chuẩn của một tượng thần Brahma với nhiều nét đặc điểm của nghệ thuật Ấn - Âu còn rất rõ. Đây là một trong số những tư liệu khảo cổ học rất quan trọng, là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa giữa Ấn Độ với cư dân bản địa ở vùng đất Nam Bộ trong quá trình hình thành và phát triển của văn hóa Óc Eo…

Bộ Linga - Yoni (niên đại thế kỷ V-VI) là hiện vật được phát hiện trong một cuộc khai quật khảo cổ học năm 1985 tại khu di tích Đá Nổi (thị trấn Phú Hòa, Thoại Sơn) với chất liệu kim loại vàng - đồng - thau. Hội đồng Di sản quốc gia công nhận là “bảo vật quốc gia” đợt 7 theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 24-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Tượng thần Brahma

Bộ Linga - Yoni Linh Sơn

Theo các nhà nghiên cứu, hiện vật là tư liệu rất quý hiếm, có giá trị quan trọng cho việc góp phần nghiên cứu lịch sử tôn giáo ở Nam Bộ, lịch sử văn hóa Óc Eo, lịch sử vùng đất Nam Bộ cũng như lịch sử Việt Nam, đặc biệt là lịch sử quan hệ quốc tế, trao đổi, giao lưu đa dạng của vùng đất Nam Bộ với thế giới.

Về giá trị văn hóa, hiện vật là tác phẩm nghệ thuật rất độc đáo lần đầu tiên tìm được ở Nam Bộ. Đây còn là tư liệu khoa học quan trọng không chỉ đối với khảo cổ học mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, quan hệ ngoại giao, tôn giáo, kỹ thuật luyện kim, nghề kim hoàn… của vùng đất Nam Bộ với khu vực và rộng hơn trong thời kỳ văn hóa Óc Eo.

Bộ Linga - Yoni Linh Sơn (niên đại thế kỷ VII) được chế tác từ sa thạch hạt mịn màu nâu đen, bệ thờ sa thạch hạt mịn màu xám đen. Hiện vật được người dân phát hiện năm 1985 tại chân núi phía đông thuộc khu vực chùa Linh Sơn thuộc ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn). Bộ Linga - Yoni Linh Sơn được công nhận là “bảo vật quốc gia” đợt 9 năm 2020.

Bộ Linga - Yoni Linh Sơn gồm khối bệ nhiều tầng còn nguyên vẹn với đặc trưng trong kết cấu và sự hoàn thiện về kỹ thuật điêu khắc, chế tác và thẩm mỹ, là sản phẩm của quá trình giao lưu, trao đổi văn hóa và đặc biệt mang đậm nét văn hóa - tôn giáo Ấn Độ giáo. Đây là một hiện vật tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình đặc trưng của văn hóa Óc Eo…

Tham quan tại Bảo tàng tỉnh, chị Phương Quyên (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) cho biết: "đây là những tư liệu lịch sử rất quý giá và bổ ích giúp chúng ta hiểu hơn về nguồn cội. Hôm nay đưa con gái (đang học lớp 3) đi tham quan, để giúp con làm quen với không gian văn hóa của bảo tàng. Đặc biệt, tìm hiểu “Sắc màu văn hóa dân tộc Chăm, Hoa, Khmer” để trải nghiệm các hiện vật (gõ trống, đàn, sờ vào hiện vật). Tôi khuyến khích con thường xuyên đến đây cùng bạn bè để hiểu hơn về cội nguồn dân tộc".


Bài, ảnh: HỮU HUYNH