Số đầu tiên của “Điểm hẹn giờ tan ca” có đại diện 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang. Khoảng 200 công nhân tham gia cổ vũ và hàng trăm người xem qua kênh phát trực tiếp fanpage Nhà Văn hóa lao động, làm bầu không khí thêm náo nức. Chuẩn bị vào chương trình, cổ động viên đã tập dợt những câu hò reo bài bản để tiếp thêm tinh thần cho đồng đội trên sân khấu. 2 đội trải qua 4 nội dung: “Vào cuộc” tự giới thiệu, “Khoe tài” kỹ năng làm việc giỏi, “Thư giãn” bằng văn nghệ và “Tan ca” xử lý tình huống.
Vừa giải trí, công nhân vừa được học hỏi, tìm hiểu thêm về Luật Lao động, Luật Công đoàn, các chế độ chính sách có liên quan trực tiếp đến người lao động và nói lên nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của mình. Bên cạnh tinh thần hăng hái của 2 đội chơi, chương trình còn ấn tượng với những tiết mục văn nghệ sinh động xen kẽ được trình bày bởi các "diễn viên", "ca sĩ" “cây nhà, lá vườn”. Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, chương trình tiếp tục là một bước đổi mới về hình thức tuyên truyền trong công nhân lao động, nội dung được chọn lọc ngắn gọn, liên quan trực tiếp đến đoàn viên và người lao động trong môi trường làm việc.
Sân chơi mới thu hút người lao động tham gia sôi nổi
Anh Dũng, khán giả đến xem cho biết, hàng ngày cuộc sống của công nhân thường lặp đi, lặp lại điệp khúc đi làm rồi về nhà ngủ lấy sức. Hàng năm, nhân dịp các ngày lễ, công đoàn và công ty tổ chức cho công nhân tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, thi đấu thể thao, giao lưu… Anh em rất háo hức tham gia nhưng số lượng tham gia có hạn. Vì vậy, cần có thêm nhiều sân chơi, chương trình tương tự để người lao động luân phiên được có mặt trong các hoạt động bổ ích sau những giờ làm việc mệt mỏi.
“Điểm hẹn giờ tan ca” còn có những phút giây lắng lòng khi mọi người cùng nghe chia sẻ của những tấm gương công nhân vượt khó, nghị lực, lao động giỏi. Đó là chị Lê thị Bích Ngân, đảm nhiệm cắt cá ở Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang. Dù cuộc sống khá chật vật, chị vẫn kiên trì bám trụ nhiều năm qua, đều đặn ngày 2 lượt qua phà Ô Môi từ xã Mỹ Hòa Hưng sang công ty làm việc. Trong gia đình đơn sơ gồm 5 nhân khẩu, người phụ nữ vóc dáng bé nhỏ đảm đương là trụ cột kinh tế. Chồng chị Ngân bị bệnh nặng, mẹ già gần 80 tuổi thường ốm đau, lại có 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Con trai lớn của chị Ngân vừa vào năm nhất Trường Đại học An Giang, phục vụ ở quán cà-phê để trang trải một phần chi phí.
Một tấm gương khác là anh Trần Văn Đựng, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long, phụ trách máy quay đội xếp khuôn - một khâu rất quan trọng trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm. Từ quê nhà TX. Tịnh Biên, vợ chồng anh Đựng đến TP. Long Xuyên thuê trọ làm công nhân và nuôi con gái 5 tuổi. Cuộc sống khá chật vật nhưng anh Đựng là người rất lạc quan, chăm chỉ, nỗ lực làm việc, được ban điều hành, ban giám đốc tin tưởng và đánh giá cao.
Không chỉ ghi nhận tinh thần nghị lực của chị Ngân, anh Đựng, tại chương trình, ban tổ chức còn dành tặng 10 phần quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, ý chí vượt khó phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chị Kim Loan trong đội cổ vũ chia sẻ: “Lúc được mời đến chương trình, tôi nghĩ chỉ góp mặt cho vui thôi, không ngờ có nhiều nội dung mới mẻ, hấp dẫn đến vậy. Đặc biệt, từ câu chuyện của công nhân, chúng tôi càng cảm thông với nhau, động viên để làm tốt công việc. Tôi thấy vui và ấm áp vì được đến chương trình”.
Thành công của chương trình là diễn ra đúng với ý nghĩa “giờ tan ca”, không phải một cuộc thi cạnh tranh thành tích. Công nhân lao động được thư giãn, giải trí, học hỏi kiến thức bổ ích bằng hình thức sinh động xen lẫn thưởng thức văn nghệ nhẹ nhàng. Theo kế hoạch, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức định kỳ “Điểm hẹn giờ tan ca” 6 tháng/lần, tạo sân chơi cho công nhân lao động học tập, yêu nghề và hiểu thêm về luật lao động. Cùng với chương trình này, thời gian qua, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đã góp phần nâng cao thể chất, đời sống tinh thần của người lao động, tạo động lực đẩy mạnh kinh doanh ở các doanh nghiệp.
MỸ HẠNH