MH370 mất tích ngày 8-3-2014 khi đang trên hành trình bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) với 239 người trên khoang. Cuộc điều tra chính kết luận chiếc Boeing này có thể bay trên Ấn Độ Dương cho đến khi hết nhiên liệu và rơi xuống biển.
MH370 đã hạ cánh an toàn xuống mặt biển?
Tuy nhiên, theo chương trình "Chuyến bay MH370" của Kênh 5, máy bay có thể đã đáp an toàn xuống mặt nước.
David Gleave, chuyên gia hàng không thuộc Đại học Loughborough, chỉ ra rằng các máy bay đều được thiết kế hạ cánh trong những tình huống khẩn cấp, kể cả trên mặt nước.
"Chúng ta đã thấy trong 'Phép màu trên sông Hudson', một bộ phim về Sully (cơ trưởng chuyến bay), rằng máy bay được thiết kế để nổi được trong một khoảng thời gian đủ cho phép mọi người thoát ra ngoài tới xuồng cứu sinh", ông Gleave nói.
'Phép màu ở Hudson' kể về một sự cố nổi tiếng, trong đó hai phi công đã phản ứng tốt với tình huống động cơ bị hỏng và điều khiển máy bay lướt đáp xuống sông. Chuyến bay 1549 của US Airways này khởi hành từ sân bay LaGuardia thuộc thành phố New York năm 2009 nhưng bị hỏng động cơ do va phải đàn ngỗng trời.
Các phi công đã hạ cánh thành công trên sông Hudson ở Manhattan và toàn bộ 155 người trên khoang được cứu sống. Vụ việc sau đó đã được dựng thành bộ phim Sully, với Tom Hanks thủ vai Cơ trưởng Chesley "Sully" Sullenberger.
Phép màu trên sông Hudson
Chuyên gia Gleave đã đề cập đến sự kiện này để chứng tỏ máy bay có thể hạ cánh an toàn ngay cả trong những tình huống khẩn cấp như vậy. Điều đó cho thấy nếu xảy ra lỗi kỹ thuật trên máy bay thì tổ lái vẫn có thể hạ cánh trên biển.
Nhưng ngược lại, nếu kẻ không tặc muốn máy bay không thể được tìm thấy, thì hắn sẽ cố lao máy bay xuống nước vì một máy bay nổi trên mặt biển sẽ dễ dàng được lực lượng tìm kiếm nhận diện.
Đến nay có 3 mảnh vỡ được xác định là của MH370 được tìm thấy ở các bờ biển Ấn Độ Dương và phía tây châu Phi. Phân tích phần phụ của mảnh cánh được tìm thấy trên đảo Reunion hồi tháng 7/2015 cho thấy, nó không được cấu hình để thực hiện một cú đáp hoặc hạ cánh xuống biển trong tình huống khẩn cấp.
David Gleave, chuyên gia hàng không thuộc Đại học Loughborough.
Ông Greeve tỏ ra không ngạc nhiên. "Tôi không nghĩ ai đó đã lên kế hoạch kỹ để đưa máy bay vào cấu hình hạ cánh, đáp xuống mặt nước cho nó nổi, rồi mọi người sẽ nói: Ồ chuyện lạ đó, làm cách nào được vậy nhỉ?".
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng nếu máy bay lao xuống biển từ độ cao hơn 9km thì nó sẽ vỡ tan tành khiến các mảnh vỡ trôi dạt trên mặt nước. Vì không có mảnh vỡ nào được tìm thấy trong các chiến dịch tìm kiếm có sự tham gia của nhiều máy bay và tàu thuyền trong một thời gian dài, kẻ không tặc chắc chắn phải lướt máy bay qua một khoảng cách phù hợp trước khi cho rơi xuống.
Điều này có nghĩa là sau khi hết nhiên liệu, không tặc đã lái máy bay cẩn thận mà không sử dụng động cơ, cho đến khi đạt độ cao thích hợp thì chúi xuống. Cũng có nghĩa là phải qua một khoảng diện tích lớn, trong đó máy bay có thể tiếp xúc với đại dương, khiến nhiệm vụ tìm kiếm sau đó trở nên khó khăn.
Nhà tư vấn hàng không Alastair Rosenschein nhận định: "Máy bay có thể ở bất cứ nơi nào trong bán kính 193km (120 dặm), nơi nó chạy hết nhiên liệu và tạo ra một khu vực tìm kiếm cực kỳ lớn, ngay cả khi bạn biết điểm dừng của chuyến bay".
Tuy nhiên, như thường lệ, MH370 mất tích bí ẩn đã tạo ra vô số viễn cảnh có thể đã xảy ra vào ngày định mệnh đó.
Theo Vietnamnet