Theo chân chị Neang Sâm “gánh chợ” lên non

08/07/2023 - 08:05

 - Mờ sáng, sương giăng trên đỉnh núi Cấm (TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang), cũng là lúc chị Sâm kĩu kịt quang gánh men theo những con dốc đem hàng lên non bán cho "sơn dân"...

Chị Sâm (48 tuổi), cũng như các chị em phụ nữ khác “gánh chợ” lên núi Cấm đều là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Quang gánh nặng khoảng 40kg, phải vượt qua những dốc núi cao dựng đứng, nhưng đôi chân chị Sâm cứ bước nhanh vùn vụt.

Hàng hóa trên đôi quang gánh chủ yếu là cá, thịt, rau, trái cây, bông, hột vịt…, được  các chị em  “bổ” từ  chợ đầu mối ở đồng bằng đem lên núi bán.

Hạ chiếc đòn gánh xuống triền núi, nhanh tay quệt mồ hôi ngang tráng, chị Neang Sâm, trần tình: “Chủ yếu lấy công làm lời chú ơi, giá bán vẫn như dưới chợ An Hảo. Ví dụ như thao ếch đồng này, giá dưới đồng bằng 120.000 đồng/kg. Tui gánh lên này bán, giá vẫn vậy...”.

Mỗi thứ một ít, nhưng trên quang gánh của  chị Sâm, cũng như các "đồng nghiệp" hầu như không thiếu món gì, nên bà con ở trên núi đỡ vất vả, không phải xuống đồng bằng đi chợ.

Hàng chục năm nay, như thành thói quen, mỗi buổi sáng chị Sâm và người mua trên núi Cấm không hẹn lại gặp nhau, trao đổi rôm rả.

Trung bình mỗi ngày, chị Sâm và các chị em bán hàng cho người dân trên núi Cấm phải lội bộ, vượt hàng ngàn bậc thang, với chiều dài hơn 5km. Sau một ngày gánh hàng gian truân, "bỏ sở hụi", trung bình mỗi chị kiếm lời ngót nghét trên 100.000 đồng.

Thi thoảng, du khách còn bắt gặp chị Sâm và các "đồng nghiệp" gánh hàng tạt ngang vồ Thiên Tuế, rồi nhóm họp lại thành chợ “di động” có một không hai ở chốn non cao.

Xế trưa, họ chia tay nhau, rồi tiếp tục gánh hàng leo qua các điện Bồ Hong, vồ Chư Thần, vồ Bà Cửu…, để bán hết những món đồ còn lại. Ngoài ra, các chị còn cung cấp rau rừng sạch cho những chủ quán bánh xèo trên núi Cấm.

Trong chuyến hành trình theo chân chị Sâm, tôi thử trải nghiệm “gánh chợ” vượt núi. Tuy nhiên, khi leo dốc  khoảng 30m, đôi chân người dưới xuôi như tôi mệt nhừ!

HOÀNG MỸ