Thi bằng lái xe ôtô: Chỉ cần trả lời sai một câu lý thuyết sẽ trượt

26/06/2019 - 19:13

Bộ đề thi lý thuyết sát hạch giấy phép lái xe sẽ tăng số câu hỏi lên và nếu thí sinh trả lời sai 1 câu trong tổng số 100 câu hỏi “liệt” thì sẽ bị đánh trượt.


Thí sinh thi lý thuyết sát hạch lái xe. (Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN)

Số câu hỏi thi lý thuyết cấp giấy phép lái xe sẽ tăng từ 450 lên 600 câu hỏi sát hạch lý thuyết sau khi Tổng cục Đường bộ ban hành bộ câu hỏi lý thuyết mới. Tuy nhiên, trong đề thi này, nếu thí sinh trả lời sai 1 câu trong tổng số 100 câu hỏi “liệt” thì sẽ bị trượt.

Theo ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), trong 600 câu này sẽ có bộ 100 câu hỏi điểm liệt.

"Trước đây, trong phần thi lý thuyết, nếu thí sinh trả lời sai 3-5 câu (tùy theo hạng xe) thì mới bị đánh trượt. Hiện nay, nếu thí sinh làm đúng toàn bộ 30 hoặc 45 câu (tùy sát hạch theo hạng xe), nhưng trả lời sai chỉ 1 câu (mỗi đề thi có 2 câu, trong đó 1 câu về quy tắc giao thông và kỹ thuật lái xe và 1 câu về xử lý tình huống) trong số 100 câu hỏi liên quan đến các tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng, nếu trả lời sai 1 câu sẽ không đạt yêu cầu,” ông Thống cho hay.

Bên cạnh đó, Vụ Quản lý Phương tiện và Người lái đã lựa chọn 100 câu trong 600 câu hỏi làm thành nhóm câu hỏi như về tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng có 58 câu hỏi về quy tắc giao thông, 12 câu hỏi liên quan đến kỹ thuật lái xe, 30 câu hỏi giải các thế sa hình và kỹ năng xử lý tình huống giao thông.

Ở góc độ cơ sở đào tạo sát hạch, ông Lê Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề, Công ty Cổ phần Vận tải ôtô số 2 cho biết, dù tăng thêm số lượng câu hỏi nhưng nội dung trong bộ 100 câu hỏi điểm liệt đều có trong bộ 450 câu hỏi sát hạch giấy phép lái xe trước đây và được biên tập lại dễ hiểu hơn. Bộ câu hỏi trong bài thi sát hạch sẽ ngắn gọn và chỉ có hai đáp án “đúng” hoặc “sai.”

“Việc không đưa ra các câu hỏi quá dài hoặc câu trả lời có nhiều ý trả lời 'đúng' hoặc 'sai' trong cùng một câu sẽ giúp người học, thi lấy bằng dễ nắm bắt kiến thức hơn và dễ trả lời câu hỏi khi làm bài thi. Chưa kể, học viên học lái xe đâu phải là các chuyên gia, nhà bác học nên cần phải đổi mới theo hướng phù hợp với thực tế, trình độ cần thiết của người học lái xe,” ông Đại nhìn nhận.

Dự kiến, bộ đề sẽ được phát hành trong tháng Sáu này, sau đó sẽ xây dựng phần mềm và chuyển giao Sở Giao thông Vận tải, các trung tâm đào tạo và sát hạch. Nhanh nhất, sau 3 tháng nữa mới có thể đưa vào để học viên làm quen với bộ đề mới trước khi tổ chức sát hạch chính thức.

Trước đó, trả lời tại phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ cũng tăng cường giám sát thời gian học cả lý thuyết và thực hành đồng thời tăng độ khó của các đề thi. Cụ thể, mức độ khó được nâng lên trong những tình huống thi và nếu học viên không làm đúng có thể bị đánh rớt ngay. Như xe vượt đèn đỏ có ký hiệu đường sắt, học viên mắc lỗi trong tình huống này sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng.

“Bộ cũng cố gắng cải tiến công tác đào tạo, đảm bảo lái xe nhận bằng có thể tham gia giao thông tốt nhất,” Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng Thể, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm, Thanh tra Bộ tiến hành kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạnh lái xe. Bên cạnh đó, Bộ cũng tham mưu với Chính phủ sửa đổi các văn bản pháp luật phù hợp với thực tế.

Theo VIỆT HÙNG (Vietnam+)

 

Liên kết hữu ích