Thi tốt nghiệp THPT: Đề thi tổ hợp Khoa học xã hội vừa sức học sinh và có độ phân hóa

08/07/2022 - 14:11

Ngày 8/7, sau hơn 150 phút làm bài thi, các thí sinh tại TP Hồ Chí Minh hoàn tất bài thi môn tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân) đều tỏ ra phấn khởi vì đề thi tương đối dễ và đủ điểm để có thể xét tốt nghiệp.

Tại điểm thi Trường THPT Thủ Đức, thí sinh Xuân Diễm phấn khởi cho biết: "Em thi khối D nên thi môn tổ hợp Khoa học xã hội để xét tốt nghiệp và cũng không tập trung ôn thi nhiều. Ngoài ra, trong 3 môn em thấy thích nhất là môn Giáo dục công dân vì có nhiều câu ứng dụng thực tế, tuy nhiên có câu hỏi gài thí sinh. Môn này em làm được tầm 80%. Còn đối với môn Lịch sử, 10-12 câu cuối khó dành cho các bạn xét tuyển khối C, nhưng có một vài câu hỏi nếu xem tin tức thời sự nhiều thì sẽ biết làm;  các câu còn lại đa số là học trong chương trình ôn tập. Còn môn Địa lý, nhìn vào Atlat có thể làm qua điểm liệt và có khoảng 12 câu cuối khó”.

Thí sinh thi tổ hợp môn Khoa học xã hội phấn khởi vì đề thi dễ. 

Tại điểm thi THPT Phú Nhuận, thí sinh Minh Thư cho biết : "Đối với bài thi môn Địa lý, em làm được trên trung bình. Môn Địa lý, nếu học bài vẫn làm được vì kiến thức cơ bản nhiều, các câu hỏi dựa Atlat địa lý để trả lời cũng dễ. Còn đối với môn lịch sử, em thấy có nhiều câu dễ, kiến thức chung là chủ yếu. Môn Giáo dục công dân cũng khá dễ, riêng chỉ có phần câu hỏi về khiếu nại tố cáo cần đọc kỹ đề vì có những câu hỏi ứng dụng thực tiễn".

“Em nghĩ 3 môn này em đều làm điểm trên trung bình. Sau 3 môn thi em rất thoải mái”, Minh Thư chia sẻ thêm.

Thí sinh thở phào nhẹ nhõm sau 150 phút làm bài căng thẳng các môn thi tổ hợp.

Đánh giá về đề thi môn Giáo dục công dân, cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Giáo dục công dân trường THPT Phước Long (thành phố Thủ Đức) cho biết, đề thi năm nay vừa sức với thí sinh, đề bám sát đề minh họa, đúng trọng tâm và có sự phân hóa học sinh. Cụ thể, từ câu 111-120 là câu hỏi phân hóa học sinh. Bên cạnh đó, đề có 4 câu của chương trình lớp 11.

Đặc biệt, trong đề thi năm nay rất nhiều câu hỏi bắt đầu bằng cụm từ “theo quy định của pháp luật”, điều này nhấn mạnh đến vai trò của pháp luật trong nội dung giảng dạy giáo dục công dân lớp 12. Phổ điểm của đề thi năm nay sẽ ở mức 7 - 8 điểm.

Chiều nay, thí sinh làm bài thi môn Ngoại ngữ với thời gian làm bài 90 phút.

Tương tự, tổ Giáo dục công dân Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, đề thi có mức độ tương đương đề tham khảo (31/3/2022), không xuất hiện dạng bài hay nội dung kiến thức mới và là môn thi cuối cùng trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Trong đó, 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11.

Riêng với câu hỏi lớp 12, có 64% câu hỏi thuộc phạm vi kiến thức học kỳ I, 75% câu hỏi trong đề thuộc mức độ nhận biết và thông hiểu, thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể đạt điểm 7 - 8. Ngoài ra, có 25% câu hỏi thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao rải đều ở các chuyên đề lớp 12, đây là những câu hỏi liên hệ thực tế, dạng bài không có điểm mới so với đề thi tham khảo, có một số câu hỏi mang tính thời sự như vấn đề tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em (câu 98 – mã 303).

Đặc biệt, các câu hỏi cực khó 113, 117, 118, 120 là những câu hỏi tình huống phức tạp, nhiều tình tiết, nhiều nhân vật, yêu cầu kết hợp nhiều kiến thức, độ nhiễu cao. Thí sinh phải nắm chắc kiến thức lí thuyết và phân tích từng chi tiết của tình huống để tìm ra câu trả lời.

Còn đối với môn Địa lí, cô Nguyễn Thị Mai, Tổ trưởng tổ Địa, Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) nhận định, đề thi bám sát đề minh họa, các kiến thức cơ bản song vẫn có 4 câu lý thuyết rất khó. Các câu hỏi này vẫn là các vấn đề nội dung trong bài học nhưng những dữ kiện đưa ra chọn đáp án đúng thì học sinh lại rất khó để chọn.

“Đề thi tốt nghiệp năm nay phù hợp với năng lực của học sinh và có sự phân hóa rõ rệt. Để làm được các câu hỏi này, ngoài kiến thức bài học, đòi hỏi học sinh phải có tư duy, hiểu biết thực tế trong quá trình học. Phổ điểm môn học có thể ở mức 6 - 6,5 điểm”, cô Mai thông tin.

Đối với đề thi môn Lịch sử năm nay, cô Đỗ Thị Hằng, Tổ trưởng tổ Sử, Trường THPT Long Trường (thành phố Thủ Đức) nhận định, đề vừa sức với học sinh, bám sát đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kiến thức trong đề thi nằm đều ở lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới. Kiến thức lớp 11 cũng có ở vài câu. Tuy nhiên, tất cả nội dung kiến thức trong đề thi đều ở phần kiến thức trọng tâm nhất. Không có các câu hỏi đánh đố học sinh.

Với đề thi này, theo cô Đỗ Thị Hằng, phổ điểm sẽ dao động ở mức từ 5 - 7 điểm. Tuy nhiên, với những thí sinh có sự đầu tư ở môn học thì chắc chắn sẽ dễ dàng lấy được điểm 10.

Bên cạnh đó, theo nhận định của tổ Sử của Hệ thống Giáo dục HOCMAI, so với đề thi năm 2021 thì đề thi lịch sử năm 2022 mức độ phân hóa cao hơn, nội dung đề thi có nhiều điểm mới lạ. Đề thi có tỉ lệ câu hỏi nhận biết, thông hiểu so với vận dụng, vận dụng cao tương đương đề thi tham khảo ngày 31/3/2022 nhưng có tính phân loại cao hơn do độ khó của các câu vận dụng cao tăng lên. Ngoài ra, trong đề xuất hiện câu hỏi vận dụng thực tế. Đề thi có 92,5% tổng số câu hỏi trong đề thuộc kiến thức lớp 12 và 7,5% câu hỏi thuộc lớp 11.

Theo ĐAN PHƯƠNG (Báo Tin Tức)