Thị trấn Vĩnh Bình nằm về phía Tây của huyện Châu Thành, giáp với khu vực trung tâm huyện, có diện tích tự nhiên 40,93km2, với quy mô dân số 9.005 người (2.470 hộ gia đình), gồm 4 khóm: Vĩnh Phước, Vĩnh Lộc, Vĩnh Thọ và Phước Thành. Nằm trên tuyến đường huyết mạch Tỉnh lộ 941 kết nối chuỗi đô thị TP. Long Xuyên và huyện Tri Tôn, đô thị Vĩnh Bình trở thành vùng đất tiềm năng cho sự phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ phụ trợ phục vụ du lịch.
Với vị trí thuận lợi, nằm trong quy hoạch chiến lược đô thị hóa của tỉnh An Giang, Vĩnh Bình được định hướng là điểm nhấn kết nối góp phần hình thành chuỗi đô thị An Châu - Bình Hòa - An Hòa; Lộ Tẻ - Cần Đăng - Vĩnh Bình. Trong tương lai, Vĩnh Bình sẽ có vai trò ảnh hưởng và thúc đẩy phát triển KTXH lan tỏa đến các xã lân cận của Châu Thành nói riêng và khu vực trung tâm tỉnh An Giang nói chung.
Đảng bộ thị trấn Vĩnh Bình nỗ lực, quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Bình Nguyễn Hữu Tân cho biết, những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực quyết tâm của các cấp ủy Đảng và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Đảng bộ thị trấn Vĩnh Bình tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển KTXH, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao.
Ngoài ra, các hoạt động văn hóa - xã hội luôn được đảm bảo thực hiện tốt; chất lượng các hoạt động giáo dục, y tế được nâng cao; quốc phòng - an ninh được giữ vững; năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng, công tác quản lý điều hành của nhà nước không ngừng nâng lên; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được duy trì và phát triển.
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhiều dự án, khu dân cư được đầu tư xây dựng, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư, khai thác các công trình, dự án trọng điểm, xây dựng hạ tầng đô thị. Đến nay, các công trình cơ sở hạ tầng, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, kiên cố. Đường giao thông khu vực trung tâm ngày càng được mở rộng. Đường liên xã, liên ấp cơ bản được nhựa hóa, bê-tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Đặc biệt, Vĩnh Bình được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn đô thị loại V vào cuối năm 2015, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển về mọi mặt.
Diện mạo đô thị Vĩnh Bình
Năm 2020, tình hình KTXH của thị trấn Vĩnh Bình phát triển ổn định. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thủy hải sản; nguồn thu của ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và từng bước được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt gần 56,3 triệu đồng/năm (tăng gần gấp đôi so với năm 2015). Công tác an sinh xã hội được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,17%. Ngoài ra, cuối năm 2020, Vĩnh Bình được công nhận đạt chuẩn “Xã văn hóa nông thôn mới”. Hiện, thị trấn Vĩnh Bình có 2.420/2.470 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ trên 99%; 4/4 khóm đạt chuẩn văn hóa (đạt tỷ lệ 100%)…
Đặc biệt, phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, Vĩnh Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích nông dân ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, hình thành vùng sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng lớn”. Năm 2020, diện tích sản xuất nông nghiệp trên 3.623ha, với năng suất bình quân 6,75 tấn/ha (tăng 0,35 tấn/ha so cùng kỳ), sản lượng 64.424 tấn (tăng 2.997 tấn so cùng kỳ)…
Phát huy những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Vĩnh Bình cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa nhằm đảm bảo phát triển đô thị bền vững. Trong đó, tiếp tục duy trì và không ngừng nâng cao những tiêu chí đạt được của một thị trấn. Đồng thời, tích cực mời gọi các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp các công trình trọng điểm về thương mại - dịch vụ, y tế, giao thông, môi trường, thể dục - thể thao...
Bên cạnh đó, tập trung chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương; ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ, ứng dụng khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, huy động mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động… đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Bài, ảnh: TRUNG HIẾU