Thị trường dầu chứng kiến tuần giảm giá đầu tiên trong ba tuần

03/06/2023 - 14:53

Giá dầu thế giới tăng hơn 2% trong phiên ngày 2/6 sau khi Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận trần nợ giúp ngăn chặn tình trạng vỡ nợ tại nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Đáng chú ý, số liệu việc làm của Mỹ đã thúc đẩy hy vọng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất.

Sự chú ý của thị trường hiện đang hướng đến cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, vào cuối tuần này.

Kho dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,85 USD (2,5%) lên 76,13 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,64 USD (2,3%) lên 71,74 USD/thùng. Thị trường đã ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 26/5 đối với dầu WTI và từ ngày 29/5 đối với dầu Brent.
Lượng việc làm tại Mỹ đã tăng hơn dự kiến trong tháng 5/2023, nhưng mức lương vừa phải có thể cho phép Fed lần đầu tiên trong hơn một năm "bỏ qua" một đợt tăng lãi suất trong tháng này -  nhân tố có thể hỗ trợ nhu cầu dầu mỏ.

Trước đó, trong phiên 1/6, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 7/2023 tăng 2,01 USD (2,95%) lên 70,10 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 8/2023 cũng tăng 1,68 USD (2,31%) lên 74,28 USD/thùng nhờ tâm lý lạc quan về thỏa thuận trần nợ.

Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại The PRICE Futures Group, cho biết, sự lạc quan về thỏa thuận trần nợ dường như cho phép thị trường dầu mỏ đứng vững.

Những hy vọng về việc Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ đã giúp thị trường không chú ý đến nguồn cung dầu thô của nước này tăng mạnh. Theo dữ liệu do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố, các kho dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ đã tăng 4,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 26/5, trái với kỳ vọng sụt giảm của thị trường.

Nỗi lo về nhu cầu dầu là yếu tố khiến thị trường dầu đi xuống phiên 31/5. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 7/2023 giảm 1,37 USD (1,97%) xuống 68,09 USD/thùng. Giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn cũng giảm 88 xu Mỹ (1,20%) xuống 72,66 USD/thùng.

Dữ liệu kinh tế vĩ mô và thị trường lao động yếu đã đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư mặc dù nhu cầu dầu mỏ đã đi lên vào mùa Hè.

Đáng chú ý, giá dầu đã giảm tới 4% trong phiên 30/5, khi quyết định của OPEC+ liên quan đến chính sách sản lượng vẫn chưa rõ ràng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 7/2023 giảm 3,21 USD, hay 4,42%, xuống chốt phiên ở mức 69,46 USD/thùng. Giá dầu Brent giao cùng kỳ giảm 3,41 USD, hay 4,43%, xuống 73,54 USD/thùng.

Tính chung tuần, cả hai loại dầu đều giảm giá khoảng 1%, đây là tuần giảm đầu tiên trong ba tuần.
Các nhà giao dịch dầu mỏ sẽ theo dõi sát cuộc họp ngày 4/6 của OPEC+. Trong tháng 4/2023, tổ chức này đã bất ngờ thông báo cắt giảm sản lượng 1,16 triệu thùng mỗi ngày, nhưng đà tăng giá đã phai nhạt.

Hãng tin Anh Reuters dẫn ba nguồn tin của OPEC+ ngày 2/6 cho hay trong số các lựa chọn, OPEC+ đang tranh luận về khả năng cắt giảm thêm sản lượng.

Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co, các công ty năng lượng tại Mỹ trong tuần này đã cắt giảm số lượng giàn khoan nhiều nhất kể từ tháng 9/2021. Như vậy, tổng số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ đã giảm tuần thứ năm liên tiếp, trong bối cảnh giá dầu thô của Mỹ giảm 11% và giá khí đốt tự nhiên giảm 51% kể từ đầu năm.

Trong khi đó, dữ liệu về hoạt động chế tạo của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, đang cho thấy một bức tranh trái chiều. Trung Quốc đang hứng chịu những đợt nắng nóng dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 6/2023, khiến lưới điện bị căng thẳng, khi người tiêu dùng ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Thâm Quyến tăng cường sử dụng máy điều hòa.

Theo MINH HẰNG (Báo Tin Tức)