Người lao động có nhiều cơ hội việc làm
Không thể phủ nhận, tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN), đời sống người lao động (NLĐ) xuất hiện tại Việt Nam thời gian qua. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang Lâm Thành Sĩ cho biết, địa phương chịu tác động lớn của việc cắt giảm thời giờ làm việc, tạm hoãn hợp đồng lao động của NLĐ. Nguyên nhân chủ yếu do DN khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới. Tính đến đầu tháng 9/2023, toàn tỉnh có 5.860 NLĐ bị ảnh hưởng việc làm. Phần lớn trong số này là lao động chính, trụ cột của gia đình, nên mỗi khi việc làm bị bấp bênh, đồng nghĩa hàng ngàn gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, đây là khó khăn chung của cả thế giới, không riêng gì Việt Nam. Kinh tế toàn cầu suy thoái do hậu quả lâu dài của đại dịch COVID-19, chứng kiến hàng loạt căng thẳng, bất ổn chính trị, xung đột trên thế giới. Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ, đất nước có quan hệ ngoại giao 193/193 quốc gia; độ mở nền kinh tế gần 200%. Những bất ổn của thế giới đều tác động trực tiếp đến Việt Nam.
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết của Nhân dân, đất nước đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia mang điểm sáng về phục hồi kinh tế - xã hội, trong thu hút đầu tư nước ngoài. 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt; tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt trên 5%, theo xu thế tích tực (quý sau cao hơn quý trước).
Chúng ta cơ bản đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, để lạm phát vừa phải, đảm bảo đời sống, việc làm, thu nhập của người dân; đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển… là bài toán khó, nhưng Việt Nam đã giải được” - đồng chí Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ trong dịp tiếp xúc cử tri tỉnh An Giang sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (tháng 12/2023).
Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp và tình trạng thiếu việc làm ở nước ta chỉ 2,5% - thấp so mặt bằng chung thế giới. Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ xếp sau Thái Lan trong công tác bảo đảm việc làm cho NLĐ. Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng của năm 2023, Việt Nam có 52,3 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên (tăng 760.000 người so cùng kỳ năm 2022); 51,2 triệu lao động có việc làm (tăng 776.000 người); cơ cấu lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục chuyển dịch tích cực.
Bên cạnh đó, nước ta ghi nhận hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, giảm 13.700 người so cùng kỳ. Nhu cầu tuyển dụng lao động của DN vẫn cao hơn so với số lao động bị mất việc, thôi việc; số DN thành lập mới cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường. Thu nhập bình quân của lao động là 7 triệu đồng/tháng (tăng 6,8%). Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 5,9 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị là 8,6 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,1 triệu đồng/tháng.
Sau thời gian trầm lắng, gần đây, thị trường lao động việc làm TP. Hồ Chí Minh nhộn nhịp trở lại. Các sàn giao dịch cung - cầu việc làm giữa cơ quan, đơn vị, DN, khu chế xuất, khu công nghiệp, trường học được mở liên tục, kết nối gần 50.000 vị trí việc làm, mở rộng về vùng ĐBSCL và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Tại An Giang, đến cuối năm 2023, lực lượng lao động trong DN tăng hơn 1.000 người so 6 tháng đầu năm; tình hình việc làm, thu nhập của NLĐ cơ bản ổn định. Những khó khăn trước đó vẫn đang được hỗ trợ tháo gỡ, điển hình là việc tỉnh thực hiện tốt chính sách hỗ trợ NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt, giảm đơn hàng (theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn rất lớn của tổ chức công đoàn, hướng đến đoàn viên, NLĐ; là một trong các chính sách thiết thực được triển khai nhằm chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho đoàn viên, NLĐ từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay.
Rất nhiều số liệu minh chứng thị trường lao động nước ta khởi sắc trong bối cảnh u ám của nền kinh tế chung, đập tan luận điệu xuyên tạc, kích động của nhiều đối tượng. Chính vì thế, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không chia sẻ, không bị dẫn dắt bởi các nội dung thiếu căn cứ trên mạng xã hội về thị trường lao động. Điều chúng ta cần lưu tâm là làm thật tốt công việc của mình; sáng tạo, tích cực nâng cao tay nghề, đóng góp hiệu quả cho công ty, DN, đơn vị; tiết kiệm, chi tiêu hợp lý để cùng nhau “vượt bão kinh tế” hậu COVID-19.
T.M