Thích ứng an toàn khi sinh viên trở lại học tập

21/10/2021 - 08:11

Tình hình dịch COVID-19 đang từng bước được kiểm soát, nhiều trường đại học đã chuẩn bị các phương án cho sinh viên trở lại học tập trực tiếp tại giảng đường. Tuy nhiên, để hàng chục nghìn sinh viên mỗi trường từ khắp các địa phương đến giảng đường học trực tiếp vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.

Sinh viên Khoa Quốc tế (Đại học Thái Nguyên) học tập trực tiếp tại giảng đường. Ảnh: THANH LOAN

Hai tuần qua, hơn 14 nghìn trong tổng số 25 nghìn sinh viên từ nhiều tỉnh, thành phố trở lại giảng đường các trường đại học thuộc Đại học Thái Nguyên để học tập trực tiếp. Ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng ban Công tác học sinh, sinh viên Đại học Thái Nguyên cho biết, theo đề án của các trường dự kiến trong tháng 10, khoảng 25 nghìn sinh viên sẽ tập trung về học trực tiếp. Để có thể cho sinh viên trở lại trường các đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên đều phải xây dựng đề án với các tiêu chí theo địa bàn vùng xanh, vàng, cam, đỏ về dịch tễ; khảo sát đối tượng sinh viên đang ở vùng nào; khi đi học ở trong và ngoài ký túc xá để từng bước đón sinh viên trở lại học tập. “Việc cho sinh viên trở lại giảng đường học tập không thực hiện theo hình thức “dàn hàng ngang” mà theo từng ngành, theo khóa học, trên cơ sở khảo sát dịch tễ. Toàn bộ các đơn vị của Đại học Thái Nguyên khi tổ chức học trực tiếp đều làm đề án báo cáo chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương phê duyệt; bảo đảm các phương án phòng, chống dịch” - ông Thắng chia sẻ.

GS, TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường đại học Thủy lợi cho biết, trường đã chuẩn bị các kế hoạch sẵn sàng về cơ sở vật chất, đội ngũ, trang thiết bị phòng thí nghiệm cho công tác đào tạo trực tiếp. Tuy nhiên, do sinh viên cư trú ở các tỉnh, thành phố trên cả nước cho nên nhà trường cũng đang cân nhắc trên cơ sở quy định phòng, chống dịch của các địa phương. Bởi nếu trường hợp địa phương có dịch bệnh phức tạp chưa cho đi lại bình thường thì sinh viên cũng không thể di chuyển. Mặt khác, sinh viên khi học trực tiếp sẽ ở tập trung rất đông ký túc xá hoặc những khu nhà trọ, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cho nên cần cân nhắc, tính toán tình hình dịch bệnh của từng địa phương và tại Hà Nội để có phương án tốt nhất. 

PGS, TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang xây dựng kế hoạch cho sinh viên trở lại học trực tiếp tại trường. Với khoảng 40 nghìn sinh viên, Đại học Đà Nẵng chuẩn bị báo cáo TP Đà Nẵng  về tỷ lệ tiêm vắc-xin để từ đó có các quyết định cụ thể liên quan việc tổ chức cho sinh viên học tập trực tiếp. Dự kiến, nếu đáp ứng các điều kiện phòng, chống dịch của thành phố, thời gian đi học trực tiếp  có thể vào giữa tháng 11 tới.

Mặc dù đã sẵn sàng các điều kiện cho sinh viên đi học trở lại nhưng phần lớn các trường đại học đều băn khoăn việc, nếu đi học thì sinh viên sẽ được tiêm vắc-xin như thế nào để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh. Ông Nguyễn Tất Thắng cho rằng, mặc dù đã cho sinh viên từng bước trở lại giảng đường nhưng việc tiêm vắc-xin cho các em là điều đáng quan tâm. “Đại học Thái Nguyên đề nghị khi có vắc-xin, cơ quan quản lý cần ưu tiên tiêm cho sinh viên. Trong đó, thay vì tổ chức tiêm tại nơi cư trú thì cần phân bổ vắc-xin cho sinh viên có thể tiêm tại nơi học tập. Bởi khi sinh viên đã đi học tập trung thì không thể về quê, nơi cư trú, để tiêm vắc-xin. Chưa kể nếu chậm được tiêm vắc-xin mà sinh viên tập trung đông, tình huống xấu liên  quan dịch bệnh có thể rất khó lường. 

Giám đốc Trung tâm Thông tin truyền thông, Trường đại học Mở Hà Nội Đỗ Ngọc Anh cho biết, đơn vị có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ thì sẵn sàng cho đào tạo trực tiếp. Tuy nhiên, khảo sát việc tiêm vắc-xin thì tỷ lệ các em đã tiêm không nhiều. Do đó, sinh viên sẽ khó khăn trong quá trình di chuyển trở lại trường học tập. “Vì vậy, nếu sinh viên về Hà Nội học tập trung cần  được ưu tiên tiêm vắc-xin tại nơi học tập” - ông Đỗ Ngọc Anh chia sẻ. Tại cơ sở chính của Trường đại học Thủy lợi tại Hà Nội, nếu sinh viên học tập trung có quy mô khoảng 10 nghìn em. Vì vậy, chậm được tiêm vắc-xin thì yếu tố nguy cơ là rất lớn. “Khi số lượng sinh viên về trường học tập trung cần có sự rà soát, đánh giá để ưu tiên tiêm tại nơi học tập nhằm bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ dịch bệnh. Đối với sinh viên tiêm mũi 1  ở nơi cư trú sau đó về trường học tập cần được tạo điều kiện thuận lợi để tiêm mũi 2” - GS, TS Trịnh Minh Thụ đề xuất.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đối với việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn các cơ sở đào tạo trên địa bàn được xác định là cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình) hoạt động đào tạo trực tiếp nếu bảo đảm các quy định về an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đối với những địa bàn được xác định cấp độ 3 và cấp độ 4 (nguy cơ cao và nguy cơ rất cao), các cơ sở đào tạo tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến tùy theo phương án cụ thể của nhà trường được UBND tỉnh, thành phố chấp thuận. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp ngành y tế tổ chức tiêm vắc-xin cho người học theo hướng dẫn của Bộ Y tế…

Theo XUÂN KỲ (Nhân Dân)