Thích ứng lâu dài với thiên tai

14/01/2022 - 07:02

 - Chuyển từ “bị động ứng phó” sang “chủ động phòng ngừa”, xây dựng bộ máy chỉ huy và lực lượng ứng phó chuyên nghiệp, phân công rõ trách nhiệm, phát huy sức mạnh toàn dân trong phòng ngừa và ứng phó với thiên tai là định hướng lâu dài. Trong đó, cần chú trọng yếu tố “thuận thiên” để giảm nhẹ tối đa tác động của thiên tai.

Thay đổi tư duy ứng phó

Giai đoạn 2016-2020, An Giang chịu nhiều tác động của thiên tai, gây thiệt hại về tài sản và sản xuất của người dân trên 1.200 tỷ đồng; 6 người chết, 8 người bị thương do lũ và sét đánh. Trên địa bàn tỉnh xảy ra 273 vụ mưa, giông lốc, làm sập và tốc mái 3.885 căn nhà, 118.271ha lúa, hoa màu, cây ăn trái bị đổ ngã; 251 điểm sạt lở bờ sông, kênh, rạch với chiều dài 20.890m, ảnh hưởng 723 hộ phải di dời khẩn cấp. Thiên tai ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những năm qua, diễn biến lũ rất thất thường, phần nhiều là lũ nhỏ, nhưng cũng có những năm lũ lớn đột xuất. Điển hình như năm 2018, lũ lên nhanh và sớm hơn trung bình nhiều năm từ 7-10 ngày. Mực nước cao nhất ngày tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh và đạt đỉnh ở mức báo động (BĐ) 2 - BĐ3, vùng hạ lưu sông tại Chợ Mới, Long Xuyên ở mức trên BĐ3 từ 0,1-0,2m. Trong đó, đỉnh lũ năm 2018 tại trạm Long Xuyên đạt 2,7m, xuất hiện ngày 9-10 (cao hơn 0,07m so đỉnh lũ năm 2000, nhưng thấp hơn 0,11m so năm 2011).

Tuy nhiên, nhờ có kinh nghiệm ứng phó, ngay từ đầu mùa lũ 2018, quan điểm chỉ đạo của tỉnh trên tinh thần “ứng phó với lũ ở mức trên BĐ3” nên thiệt hại không đáng kể. Đặc biệt, không có thiệt hại về người, trong khi năm 2000 có 134 người chết; năm 2011 là 23 người. Năm 2018, chỉ có 1.274ha lúa xuống giống ngoài đê bao bị mất trắng (chiếm 0,32% tổng diện tích xuống giống), trong khi thiệt hại năm 2000 là 4.947ha, năm 2011 là 5.914ha.

Năm 2018, có 5 trường học bị ngập (năm 2000, có 461 điểm trường bị ngập, 130.758 học sinh phải nghỉ học; năm 2011 là 57 điểm trường với 1.364 học sinh); có 152 căn nhà bị ngập (năm 2000, có 151.867 căn nhà bị ngập; năm 2011 là 20.583 căn).

An Giang phấn đấu giảm tối đa thiệt hại do thiên tai, sạt lở đất gây ra

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có bước phát triển đáng kể, chuyển từ “bị động ứng phó” sang “chủ động phòng ngừa”. Luật Phòng, chống thiên tai được ban hành, các loại hình thiên tai được đề cập toàn diện hơn. Nguyên tắc, cơ chế chính sách, nguồn lực và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được quy định rõ ràng, chặt chẽ. Các cấp chính quyền địa phương ngày càng chuyên nghiệp hơn trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Đặc biệt là lập kế hoạch để ứng phó chủ động, kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tiếp tục tinh thần chủ động

Để chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân, góp phần phát triển kinh tế bền vững, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Trần Anh Thư, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và của toàn dân, toàn xã hội. Phòng, chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro tổng hợp theo lưu vực, liên vùng, liên ngành; xây dựng quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng công trình phải đánh giá đầy đủ tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Giai đoạn 2021-2025, công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh được thực hiện đồng bộ theo 3 giai đoạn: Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, lấy phòng ngừa là chính; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, nông thôn mới.

Trong ứng phó, tỉnh kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, theo hướng đa mục tiêu; khôi phục, tái thiết sau thiên tai đảm bảo tính bền vững và yêu cầu xây dựng lại tốt hơn; tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ kết hợp với kế thừa kinh nghiệm truyền thống. Tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào lĩnh vực phòng, chống thiên tai.

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh phấn đấu giảm tối đa thiệt hại về người do thiên tai gây ra, tổng thiệt hại về kinh tế thấp hơn giai đoạn 2016-2020. Tỉnh sẽ kiện toàn 100% cơ quan chỉ huy phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng tinh gọn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai; phấn đấu 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai. An Giang phấn đấu cơ bản hoàn thiện cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai của Văn phòng Thường trực cấp tỉnh phục vụ chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai…

Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm, xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều (nhất là các tuyến đê cấp III đã được phân cấp), cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông.

 

NGÔ CHUẨN