Thích ứng linh hoạt với cước vận tải biển tăng cao

31/07/2024 - 06:40

 - Cước vận tải biển tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của tỉnh. Trước thực trạng này, các đơn vị tham gia xuất khẩu đã nhanh chóng thích ứng nhằm duy trì sản xuất, tiếp tục tạo việc làm cho lao động tại địa phương.

Nguyên nhân

Theo các DN xuất khẩu, có 3 nguyên nhân chính khiến giá cước vận tải biển tăng nhanh: Dư âm của đại dịch COVID-19; chiến tranh giữa Nga - Ukraine, giữa Israel và Hamas; DN vận tải đã “té nước theo mưa”, tăng phí vận chuyển.

Nhiều tháng qua, khi Israel tấn công vào Dải Gaza nhằm vào lực lượng Hamas, phiến quân Houthi đã nhanh chóng trả đũa bằng cách tấn công các tàu hàng thương mại đi qua kênh đào Suez.

Đây là một trong 6 tuyến hàng hải quan trọng của thế giới, tuyến ngắn nhất nối Châu Á với Châu Âu, nối Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương. Hiện, tuyến hàng hải này chiếm khoảng 12% tổng lượng hàng hóa thương mại toàn cầu.

Doanh nghiệp may tại Khu công nghiệp Bình Hòa đẩy mạnh tuyển công nhân

Khủng hoảng ở Biển Đỏ buộc các hãng tàu nổi tiếng, như: Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… phải thay đổi hải trình, thay vì đi qua kênh đào Suez, tàu phải đi qua mũi Hảo Vọng, làm phát sinh thêm chi phí và thời gian tàu đến cảng (kéo dài thêm 12 ngày), ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời gian xử lý hàng tại các cảng của nước Anh, các trung tâm lớn ở Châu Âu, như: Rotterdam, Antwerp hay Hamburg, từ đó các hãng tàu “đua nhau” tăng cước phí.

Từ cuối tháng 4/2024 đến nay, cước vận tải biển tăng gấp 2 lần so với đầu năm 2024. Hiện, một container 40 feet đi từ cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) đến Hoa Kỳ đã tăng lên hơn 7.000 USD, trong khi giá cước hồi đầu năm chỉ neo ở mức hơn 3.000 - 4.000 USD.

“Các công ty dịch vụ logistics báo giá cước tăng liên tục, trong khi giá đơn hàng đã ký hợp đồng trước đó không tăng, điều này khiến DN bị thiệt hại lớn, thậm chí phải chịu lỗ nặng để giữ mối hàng…” - ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt chia sẻ.

Giải pháp

Thời gian qua, để thích ứng linh hoạt với cước vận tải biển tăng cao, DN chế biến rau quả, thủy sản, lúa gạo, giày da và may mặc trong tỉnh đã áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, những đơn hàng có thể tạm hoãn thời gian giao hàng, hẹn lại với đối tác để giao vào thời điểm khác. Đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới, thị trường gần, dễ giao nhận như thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… Thay vì tập trung vào thị trường Châu Âu và Hoa Kỳ như trước đây.

Doanh nghiệp thủy sản giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương

Bên cạnh đó, các DN nhanh chóng điều chỉnh sản phẩm, thị trường như tập trung sản xuất các sản phẩm có giá trị cao để có lợi nhuận, bù đắp cho chi phí vận chuyển tăng. Đẩy mạnh phát triển các thị trường gần nhằm giảm khoảng cách vận chuyển để giảm chi phí. Về phân khúc thị trường, DN tập trung bán sản phẩm cho phân khúc thị trường cao cấp, bởi ở phân khúc này, khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm chất lượng.

 Ngoài ra, DN đã tối ưu hóa quá trình sản xuất và bảo quản. Cụ thể, DN đã sử dụng các công nghệ bảo quản hiện đại để kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm, giảm thiểu tổn thất trong quá trình vận chuyển; đồng thời đổi mới mô hình kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm đạt hiệu quả tối ưu.

Thích ứng linh hoạt với cước vận tải biển tăng cao bằng nhiều giải pháp khác nhau, các DN xuất khẩu trong tỉnh đã tiếp tục duy trì sản xuất, giữ chân người lao động để ổn định sản xuất, nhờ đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 643 triệu USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đạt so kế hoạch đề ra như gạo 231.000 tấn, tương đương 143 triệu USD, tăng 4% về lượng và tăng 14% về kim ngạch (so cùng kỳ). Thủy sản đông lạnh ước đạt 80.000 tấn, tương đương 153 triệu USD, tăng 2,5% về kim ngạch so với cùng kỳ. Rau quả đông lạnh ước đạt 69.000 tấn, tương đương 35 triệu USD, tăng 14,8% về kim ngạch so với cùng kỳ.

“Người lao động rất phấn khởi bởi tại Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), các DN, như: Công ty TNHH NV Apparel (Thái Lan), sản xuất mặt hàng may mặc; Công ty TNHH An Giang Samho (Hàn Quốc) sản xuất giày, treo bảng tuyển công nhân. Điều đó chứng tỏ họ đã thích ứng được với tình hình cước vận tải biển tăng cao, đẩy mạnh sản xuất trở lại, chúng em sẽ có việc làm ổn định...” - chị Trần Thị Lài (xã Hòa An, huyện Châu Thành) chia sẻ.

Thích ứng linh hoạt với cước vận tải biển tăng cao không chỉ có DN rau quả và chế biến cá tra, mà còn có DN thuộc lĩnh vực dệt may, da giày, lúa gạo. Tất cả đã nỗ lực thích ứng nhằm hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh trong những tháng cuối năm 2024, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của quốc gia, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương…

MINH HIỂN