Chiều 25-7, Ban chỉ đạo Trung ương về về phòng chống thiên tai đã họp khẩn để chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể trước tình hình thiên tai trong nước do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì.
Ban chỉ đạo Trung ương về về phòng chống thiên tai đã họp khẩn chiều 25-7
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, thế giới liên tiếp phải hứng chịu các trận thiên tai lớn, nhất là mưa lũ lịch sử tại miền Tây Nhật Bản làm 242 người chết.
Mưa lũ trên diện rộng tại 241 con sông/16 tỉnh tại Trung Quốc làm 33 người chết; động đất tại Indonesia làm 176 người chết; nắng nóng tại Tokyo Nhật Bản làm 33 người chết và 37 người chết ở Canada,..
Tại Việt Nam, tiếp theo một năm 2017 thiên tai bất thường, nghiêm trọng, từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xuất hiện 14/21 loại hình thiên tai, điển hình là lũ quét, sạt lở đất, bão, ATNĐ, dông, lốc sét, nắng nóng, rét đậm, rét hại,… và đặc biệt, sau các đợt nắng nóng đỉnh điểm là mưa lớn kéo dài. Điều đó cho thấy, thiên tai hết sức dồn dập và cực đoan.
Ở nước ta đã xảy 4 cơn bão, 4 ATNĐ, trong đó hoàn lưu sau bão số 3 đã gây mưa lớn diện rộng từ ngày 13 đến 22-7-2018, đặc biệt có nơi gần 1.000mm (Km46 Sơn La đến 934mm) kéo dài ở hầu hết các tỉnh phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra.
Lũ lớn trên báo động 3 ở thượng lưu sông Thao, sông Hoàng Long, riêng sông Bứa tại tỉnh Phú Thọ đã vượt mức lũ lịch sử năm 1975 là 1,26m; gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và sản xuất nông nghiệp tại các địa phương chịu ảnh hưởng.
Chỉ trong 1 tháng gần đây, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại ở Lai Châu, Hà Giang từ ngày 23 đến 26-6-2018; tại Yên Bái và một số tỉnh miền núi phía Bắc từ ngày 13 đến 21-7-2018.
Thống kê từ đầu năm trên cả nước đã xảy ra 151 trận lốc, sét, mưa đá làm 22 người chết, 29 người bị thương. Nguy hiểm hơn, tất cả rừng và đất rừng ở nước ta đã no nước, bất kỳ chỗ nào có mưa từ 100-150mm đều gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây ra tổn thương nghiêm trọng.
Nhiều thiết chế hạ tầng quá tải, nhất là hơn 1.000 hồ chứa thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng, chưa được sửa chữa.
Mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Tổng hợp từ đầu năm 2018 đến nay, thiên tai đã làm 110 người chết và mất tích, 82 người bị thương. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.600 tỷ đồng.
"Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến những tổn thương ghê gớm như vậy, một loạt đê xuống cấp, ẩn họa khôn lường. Nếu chúng ta không khẩn trương củng cố lại hạ tầng và có các giải pháp ứng phó, thậm chí là thảm họa thiên tai sẽ xảy ra”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Từ thực tế diễn biến mưa lũ phức tạp, cực đoan trong cuối tháng 6 đến nay ở khu vực và trong nước đã và đang gây tác động lớn đến đời sống, sản xuất; công tác khắc phục hậu quả thiên tai mới xử lý bước đầu, tạm thời; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng rất thấp.
Do vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương cũng như các ban ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau: Giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, ổn định nhà ở cho đồng bào; Rà soát các phương án đảm bảo an toàn chống lũ; Khẩn trương tiêu úng và tổ chức, hướng dẫn phục hồi sản xuất diện tích lúa bị ngập nước; Rà soát phương án, xử lý sự cố để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều; Kiểm tra, đánh giá phương án đảm bảo vận hành và an toàn hệ thống hồ chứa thủy lợi; Kiểm tra, đánh giá phương án đảm bảo vận hành và an toàn hệ thống hồ chứa thủy điện; Chủ động ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển; Nâng cao quản lý tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản giảm thiểu thiệt hại khi ứng phó với bão; Đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực miền núi và vùng thấp trũng; Rà soát, chủ động phương án ứng phó với lũ lớn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trước diễn biến mưa lũ, sự cố công trình phía thượng lưu để đảm bảo an toàn về người và tài sản, tránh tư tưởng chủ quan sau nhiều năm không có lũ; củng cố hệ thống đê bao, bờ bao để bảo vệ sản xuất./.
Theo HẢI YÊN (VOV)