Thiếu sót trong cấn trừ nguồn tiền hỗ trợ đất trồng lúa

03/04/2018 - 06:39

 - Bà Nguyễn Thị The (sinh năm 1966, ngụ ấp Vĩnh Thắng, xã Vĩnh Khánh, Thoại Sơn, An Giang) khiếu nại đến Báo An Giang: địa phương không cấp tiền hỗ trợ đất trồng lúa bị thiệt hại theo quy định, trong khi nhiều người được thụ hưởng lại bị cấn trừ vào các khoản không rõ ràng. Bị chất vấn vụ việc, lãnh đạo địa phương trả lời mập mờ, không minh bạch, gây bức xúc đối với bà.

Bà Nguyễn Thị The đặt vấn đề: “Gia đình tôi canh tác lúa 2 vụ với diện tích 3,7ha, sau đó tăng trên 5,5ha. Theo chủ trương, Nhà nước hỗ trợ một khoản tiền cho người trồng lúa khi bị thiệt hại do thiên tai, mất mùa theo Nghị định số 42/CP của Chính phủ.

Từ năm 2013 đến nay, gia đình tôi chưa được thụ hưởng chính sách này. Không chỉ tôi mà nhiều người dân ở địa phương cũng cùng cảnh ngộ. Những hộ may mắn được thụ hưởng chính sách thì bị UBND xã cấn trừ vào các khoản thu khác, như: tiền hỗ trợ làm lộ giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đồng thời giao vụ việc cho các chủ thầu bơm nước xử lý.

Tôi được biết, việc thực hiện chính sách này có từ lâu, nhưng ít người và đến nay thậm chí chưa ai ở xã này được nhận nguồn tiền nói trên theo quy định. Vậy chính sách trên có hay không, những ai được thụ hưởng?

Nếu có, nguồn tiền này có cấp phát cho nông dân không, cụ thể bao nhiêu hộ, diện tích bao nhiêu? Tôi nhiều lần gặp lãnh đạo UBND xã Vĩnh Khánh hỏi nhưng nhận được câu trả lời không rõ ràng, “nói cho qua”. Tôi đề nghị vấn đề trên được công khai, minh bạch và số tiền Nhà nước hỗ trợ cho nông dân đang ở đâu, dùng làm gì?”.

Bà Nguyễn Thị The

Bà Nguyễn Thị The

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khánh Nguyễn Văn Lãm cho biết: “Thực hiện Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11-5-2012 của Chính phủ về quản lý, dụng đất trồng lúa, chúng tôi thông tin rộng khắp, sau đó phối hợp ngành nông nghiệp, bộ phận liên quan tổ chức khảo sát để đánh giá mức độ thiệt hại của các hộ dân một cách công khai, rõ ràng, không thiên vị”.

Nghị định quy định: hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất (SX) lúa trên đất chuyên trồng lúa nước hàng năm.

Đối với hộ SX lúa bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh được hỗ trợ 70% chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi lúa bị thiệt hại trên 70%; sẽ hỗ trợ 50% chi phí khi SX lúa bị thiệt hại từ 30-70%.

Qua khảo sát cho thấy, số hộ SX bị thiệt hại ở 4 ấp có sự chênh lệch và mức độ bị thiệt hại khác nhau; vụ thu đông 2015 và 2016 có nhiều hộ bị thiệt hại, qua đó, địa phương đã hỗ trợ 1.187 hộ, diện tích 1.252ha với số tiền gần 1,2 tỷ đồng.

Chúng tôi đã tổ chức họp dân ở 4 ấp (Vĩnh Thắng, Vĩnh Thành, Vĩnh Lợi, Vĩnh Hiệp) xin ý kiến về việc trao tiền trực tiếp cho các hộ hay thông qua chủ thầu bơm nước.

Kết quả cho thấy, 3 ấp đồng ý phương án thông qua chủ thầu bơm nước, riêng ấp Vĩnh Hiệp chọn cách trao tiền trực tiếp. Chúng tôi đã thực hiện theo ý kiến nói trên. Riêng hộ bà Nguyễn Thị The SX trên 5ha ở 2 tiểu vùng, không dự họp cũng không tìm hiểu nên không nắm rõ sự việc.

Thời điểm đó, hộ này chưa thanh toán gần 16 triệu đồng cho chủ thầu bơm nước nên đã bị cấn trừ. Theo biên nhận ngày 25-12-2015, bà The đã ký nhận 1,7 triệu đồng, sau khi đã trừ ra số tiền hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 42//2012.

Đối với hộ Nguyễn Thị Thu, dù diện tích lúa bị thiệt hại nhưng chưa tới mức quy định, nên chưa nhận được số tiền hỗ trợ. Xảy ra việc khiếu nại nói trên có phần thiếu sót do chúng tôi không theo dõi, kiểm tra cụ thể về việc cấn trừ của các chủ thầu bơm nước đối với hộ thụ hưởng chính sách. Đây là bài học kinh nghiệm, chúng tôi sẽ khắc phục, sửa chữa ngay, không để tái diễn”.

UBND xã làm việc về vấn đề trên

UBND xã làm việc về vấn đề trên

Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Dương Ngọc Lắm cho biết: “Trước hết chúng tôi đề nghị địa phương báo cáo ngay, đồng thời giải trình các vấn đề bà con khiếu nại. Sau đó, sẽ đến địa phương làm rõ sự việc và thông báo kết quả cho bà con biết. Quan điểm của UBND huyện Thoại Sơn là mổ xẻ vấn đề một cách minh bạch, không thiên vị, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật”.

Bài, ảnh: N.R