Thoát nghèo nhờ nghề may áo mưa

31/08/2023 - 05:17

 - Về ấp An Thạnh, xã Lê Trì (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), chúng tôi không chỉ ngạc nhiên về quá trình “thay da đổi thịt” ở từng làng quê, mà còn học tập tấm gương vượt khó thoát nghèo, vươn lên phát triển cuộc sống của người phụ nữ kiên cường Phạm Thị Thuận. Với nghề may áo mưa gia công, chị Thuận cải thiện kinh tế gia đình, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho chị em lối xóm.

Người phụ nữ 46 tuổi với làn da rám nắng, dạn dày sương gió đã dành chút thời gian quý báu kể cho chúng tôi nghe hành trình dài đăng đẳng, bao gian truân mới có thành tựu nho nhỏ như hiện nay. Từ những năm 1990, vì cuộc sống ở quê quá vất vả, chị một thân một mình lên TP. Hồ Chí Minh tìm việc.

Nhà nghèo khổ từ nhỏ, chị Thuận không được đến trường, không biết chữ nghĩa, đành xin giúp việc cho các quán ăn sáng. Những ngày ở xóm trọ của lao động nghèo, thấy mọi người rủ nhau đi làm ở phân xưởng may áo mưa phương tiện, chị mạnh dạn xin theo.

“Hơn hai mươi mấy năm trước, cơ sở không yêu cầu trình độ, miễn lanh lẹ, chịu khó, khéo léo là được. Tôi như bắt được vàng, cố gắng bám lấy cơ hội, chịu khó học nghề, làm nghề, rồi dần dần lên tổ trưởng, quản lý. Tôi dường như dành cả tuổi xuân để làm nghề, nhưng không dư đồng nào.

Bởi lẽ, đất đô thành đắt đỏ, tiền ăn tiền mặc, tiền học hành cho con, tiền trọ mỗi tháng cứ xoay vòng, bám víu lấy tâm tư. Đến lúc cha tôi ngã bệnh, tôi đành bỏ dở công việc, về quê chăm sóc cha, bắt đầu nghĩ đến chuyện làm gì đó trên quê hương mình" - chị Thuận chia sẻ.

Chị Thuận (bìa trái) hướng dẫn chị em làm việc

Chị tâm sự với chủ xưởng may, họ tin tưởng, cho chị mượn máy ép, cung cấp vật liệu để chị tự may áo mưa gia công tại quê, khi nào thành phẩm chuyển ngược hàng về lại thành phố. Tiền lời từ những chuyến hàng đầu tiên, chị Thuận cố gắng dành dụm, lo chi phí phẫu thuật tim cho cha, gom góp đầu tư máy móc để nhận hàng về may nhiều hơn. Thấy chị em nhàn rỗi ở quê khá đông, chị mời phụ giúp. Sau thời gian chỉ dẫn tận tình, các chị em bắt đầu thạo việc, nhờ vậy năng suất tăng lên đáng kể.

“Tôi về quê từ năm 2019, chỉ sau 1 năm đã có dư. Vì vậy, tôi xin ra khỏi hộ nghèo, dành phần hỗ trợ đó cho gia đình khó khăn hơn. Nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lê Trì quan tâm giới thiệu, tôi được vay 2 đợt, tổng cộng 100 triệu đồng, càng có thêm cơ hội đầu tư mặt bằng, mái che, máy hỗ trợ, tiền chi trả nhân công. Đến nay, tôi có thể sản xuất trung bình 200.000 chiếc áo mưa mỗi tháng, tạo việc làm thường xuyên cho chị em địa phương và các xã lân cận: Lương Phi, Lạc Quới, thị trấn Ba Chúc, thị trấn Tri Tôn”.

Gắn bó với chị Thuận từ những ngày đầu, chị Trần Thị Bé Tư (ngụ ấp An Thạnh) hạnh phúc khi được làm việc gần nhà: “Nhà tôi cách đây vài căn. Lúc chị Thuận mở xưởng 3 tháng, tôi theo học nghề, đến nay gần 5 năm. Lúc chị chưa về quê, chúng tôi chỉ biết làm mướn ngoài đồng ruộng, vất vả nắng nôi trăm bề. Nay có được việc làm đơn giản, ngồi mát trong nhà, có thu nhập ổn định gần 200.000 đồng/ngày, chị em nào cũng thích”.

Không những tạo thêm công ăn việc làm ở quê, cơ sở của chị Thuận còn giải quyết nhu cầu tìm việc làm của lao động xa quê muốn quay trở lại quê nhà.

Chị Đặng Thị Bích Ngân (ngụ ấp An Thạnh) từng đi TP. Hồ Chí Minh làm nghề may quần áo xuất khẩu suốt 13 năm. Nhưng thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống, không đủ tiền gửi về cho cha mẹ già, con nhỏ đến trường. Do vậy, hay tin gần nhà tuyển lao động, chị Ngân nhanh chóng trở về.

“Dẫu ở quê nhà chỉ kiếm hơn 200.000 đồng/ngày, nhưng đổi lại chi tiêu rất ít, không tốn tiền trọ, tính ra cuộc sống ổn định hơn. Mỗi ngày, tôi dành 8 tiếng để làm việc, ngoài ra còn có thời gian chăm sóc, gần gũi và nuôi dạy con cái” - chị Ngân chia sẻ.

Ở cơ sở may của chị Thuận, chúng tôi còn bắt gặp gương mặt đầy hạnh phúc của mẹ con chị Neáng Ny và Neáng Ly Na (ấp Sóc Tức). Mới vào làm việc 2 tháng, mẹ con chị được hướng dẫn xếp áo mưa, cho vào túi đóng gói. Công việc mang đến thu nhập hơn 150.000 đồng/ngày, chị dành dụm mua sách giáo khoa, quần áo cho con đầu năm học.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lê Trì Neáng Quynh cho biết: “Chị Thuận chịu thương chịu khó, cần mẫn, nhạy bén trong sản xuất - kinh doanh, có ý chí vươn lên thoát nghèo. Với tấm lòng yêu thương, chia sẻ với phụ nữ khó khăn cùng cảnh ngộ, chị giúp đỡ nhiều chị em có việc làm thường xuyên, thành lập Tổ hợp tác may áo mưa (33 thành viên), giải quyết việc làm thời vụ cho em phụ nữ. Chúng tôi sẽ luôn quan tâm, thường xuyên giúp đỡ để tổ hợp tác được vay vốn mở rộng sản xuất, thành viên được hỗ trợ kiến thức, nâng cao tay nghề, đảm bảo yêu cầu ngày càng cao của thị trường”. 

NGỌC GIANG