Thời cơ xuất khẩu gạo giá cao nhưng vẫn phải cẩn trọng

02/08/2023 - 14:05

Sau Ấn Độ, một số quốc gia như Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)… cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo tăng cao kỷ lục. Đây được xem là cơ hội lớn cho gạo xuất khẩu của Việt Nam nhưng cũng là thách thức cần cẩn trọng.

Bốc xếp gạo xuất khẩu qua cảng Sài Gòn. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Thu mua lúa gạo trong nước gặp khó

Thông tin một số quốc gia như Ấn Độ, UAE và Nga cấm xuất khẩu gạo làm dấy lên lo ngại về nguồn cung mặt hàng chủ lực này khiến giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam và Thái Lan tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.

Trong phiên giao dịch ngày 1/8/2023 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh 20 USD/ tấn so với phiên ngày 31/7, lên mức 588 USD/tấn với gạo 5% tấm và 568 USD/tấn với gạo 25% tấm. Không chỉ gạo Việt Nam, gạo 5% tấm của Thái Lan cũng được đẩy lên mức 623 USD/tấn với gạo 5% tấm.tăng 400 đồng/kg. Gạo thành phẩm ở mức 12.800 – 13.000 đồng/kg, tăng 400 – 500 đồng/kg.

Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, động thái cấm xuất khẩu của các quốc gia trên thế giới đang có tác động lớn tới giá gạo Việt Nam. Các nước nhập khẩu khi nghe thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu đã trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp Việt Nam và đưa ra giá cao hơn để mua. Từ đó tác động đến thị trường gạo trong nước và đẩy giá lúa, giá gạo ở nội địa lên cao trong những ngày qua.

Mặc dù giá tăng cao, song theo ghi nhận, hiện đang rất khó thu mua lúa. Trao đổi với phóng viên Báo Tin tức, Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice chia sẻ, hiện giá chào cho hợp đồng giao tháng 9-10/2023 của doanh nghiệp này với gạo trắng là 570 USD/tấn, gạo Jasmine là  680 USD/tấn và với giống gạo Nhật là 750 USD/tấn, tăng 60-70 USD/tấn so với thời điểm trước.

Ông Phan Văn Có cho biết, giá lúa gạo trong nước tăng cao nên việc thu mua tại thời điểm hiện nay hầu như không được, nên việc xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại. Thông thường doanh nghiệp ký hợp đồng với người dân trước 1-2 tháng, sau đó mới thu mua và xuất khẩu. Thường những hợp đồng này là hợp đồng đặt cọc, ký cơ bản, trong điều khoản có nội dung vẫn điều chỉnh theo giá thị trường. 

“Thường chúng tôi chỉ ký hợp đồng 50-60% chứ không ký hợp đồng 100% từ trước nên từ khi Ấn độ, Nga, UAE cấm xuất khẩu làm gạo trong nước tăng cao thì doanh nghiệp thu mua lại bị lỗ. Bởi những hợp đồng xuất khẩu đã ký thì giờ phải bắt buộc giao hàng, mà trong nước giá lên cao”, ông Phan Văn Có cho hay.

Ông Phan Văn Có cho biết thêm, giải pháp công ty đưa ra là duy trì xuất khẩu đảm bảo hợp đồng cho khách hàng đã ký hợp đồng, còn khách hàng có nhu cầu mới thì phải đàm phán lại giá. Thời điểm hiện nay giá gạo tăng cao giúp người dân có thêm thu nhập, Việt Nam nên duy trì xuất khẩu gạo để tận dụng cơ hội chứ không nên hạn chế xuất khẩu.

Đại diện doanh nghiệp này dự báo, đà tăng của giá lúa gạo sẽ kéo dài đến hết tháng 8/2023 do tâm lý thị trường chưa ổn định. Khi tâm lý thị trường ổn định, thị trường sẽ giao dịch ổn định trở lại.

Đại diện Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, trong thời điểm giá gạo toàn cầu đang có xu hướng “nhảy múa” như hiện nay các doanh nghiệp rất thận trọng trong việc ký kết hợp đồng mới.

Theo đại diện doanh nghiệp này, khi giá thế giới tăng, giá trong nước cũng tăng cao, thậm chí giá lúa còn tăng nhanh hơn giá xuất khẩu. Hiện giá lúa đang mua bình quân 7.000 đồng/kg. Với giá này nếu đem xuất khẩu phải trên 600 USD/tấn doanh nghiệp mới có lãi. Trong khi đó, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam dù đã tăng mạnh nhưng chỉ ở mức dưới 600 USD.

Hiện Trung An chưa ký kết thêm hợp đồng mới mà chủ yếu đang tập trung vào các hợp đồng cũ đã được ký kết trước đó, đồng thời tập trung thu mua lúa theo cam kết với người nông dân.

Thời cơ nhưng cần thận trọng

Trao đổi với phóng viên Báo Tin tức, GS.TS Võ Tòng Xuân nhận định, biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ trên toàn cầu khiến an ninh lương thực bị đe dọa. Việc một số nước ra lệnh cấm xuất khẩu gạo đã đã đẩy giá gạo toàn cầu tăng chóng mặt bởi cầu đang lớn hơn cung và nhiều nước đẩy mạnh thu mua gạo để phục vụ nhu cầu trong nước.

“Giá gạo trên thế giới sẽ còn tăng. Đây là thời cơ vàng cho chúng ta và Việt Nam phải tận dụng xuất khẩu, để hạt gạo của Việt Nam vươn xa, vươn cao với giá trị cao hơn. Về nguồn cung lúa gạo cho xuất khẩu cũng như đảm bảo an ninh lương thực cho thị trường trong nước, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm. Chúng ta luôn luôn dư gạo để bán ra”, GS.TS Võ Tòng Xuân khẳng định.

Chuyên gia nông nghiệp này cho biết, cách Việt Nam bố trí quy hoạch vùng trồng lúa rất an toàn. Cụ thể đối với lúa phục vụ thị trường trong nước, chúng ta lấy diện tích dọc theo biên giới Campuchia (vùng phía Bắc của An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp) với khoảng hơn 1,5 triệu ha. Nước ở vùng này lúc nào cũng có và không bao giờ bị nước mặn dâng lên. 

Về giải pháp lâu dài trong thời gian tới, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, tận dụng cơ hội để xuất khẩu gạo giá cao nhưng đây cũng là thời điểm để chúng ta nhìn nhận lại vấn đề xuất khẩu gạo hiện nay. Do đó Việt Nam cần có chiến lược trong dài hạn để cung cấp gạo cho các nước với giá cao hơn, lập mặt bằng giá gạo mới. 

“Doanh nghiệp nên chấm dứt việc đợi có người đặt  mới đi thu mua của thương lái về xay xát. Doanh nghiệp khi xuất khẩu phải tính đường dài, tìm cách ký hợp đồng xuất khẩu dài hạn. Khi có hợp đồng dài hạn, doanh nghiệp sẽ chắc chắn được đầu ra và bàn bạc với địa phương xây dựng vùng nguyên liệu. Theo đó, người nông dân sẽ là những xã viên, cùng một giống lúa, một quy trình theo hợp đồng thì nông dân sẽ thấy không phải lệ thuộc vào thương lái mà chắc chắn có người mua với giá tốt”, GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, GS.TS Võ Tòng Xuân đề xuất  Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện về chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn. Việc này ngoài giúp doanh nghiệp thu mua lúa gạo cho nông dân, còn có cơ hội cải tiến nhà máy nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến - có như vậy lợi nhuận của doanh nghiệp mới nâng lên. Về phía người dân, phải hợp hợp lại cùng nhau trong các hợp tác xã để cung cấp ổn định nguồn lúa cho doanh nghiệp.

Trước bối cảnh tình hình xuất khẩu gạo phức tạp, một số nước (Ấn Độ, UAE, Nga) cấm xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương vừa có Công văn số 5024/BCT-XNK ngày 31/7/2023 gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam; Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về việc thực hiện trách nhiệm quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về xuất khẩu gạo.

Để góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa; bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước; đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội và Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu Hiệp hội lương thực và các thương nhân báo cáo  tình hình lượng thóc, gạo tồn kho; tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐCP nêu trên.

Đồng thời, chủ động theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu; trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo trên thị trường trong nước và quốc tế; đề xuất giải pháp phù hợp với bộ, ngành liên quan. Báo cáo các nội dung nêu trên đề nghị gửi về Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) trước ngày 3/8/2023 và qua địa chỉ email: xuatkhaugao@moit.gov.vn.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự kiến trong vài ngày tới, tại TP Cần Thơ, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị liên quan đến công tác điều hành xuất khẩu gạo. Hội nghị sẽ bàn về các giải pháp xuất khẩu gạo trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Theo Báo Tin Tức