Thu hút đầu tư, vực dậy thương mại, dịch vụ

29/12/2021 - 07:01

 - Năm 2022 được xem là thời điểm thuận lợi để An Giang đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, khai thác thế mạnh du lịch. Năm 2022, tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang, kết hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh, sự kiện được nhiều doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư chờ đợi.

Phát triển thương mại, dịch vụ

Năm 2021, đại dịch COVID-19 tác động nặng nề đến lĩnh vực dịch vụ của tỉnh, khi nhiều hoạt động kinh tế phải tạm dừng. Tuy nhiên, khu vực dịch vụ vẫn tăng 2%, được xem là mức tăng khả quan hơn so với cùng kỳ (năm 2020 tăng gần 1,5%). Tổng mức bán buôn, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,1% so năm 2020, trong đó, doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa tăng gần 6%; doanh thu các ngành dịch vụ tương đương cùng kỳ. Điều này cho thấy, thị trường tiêu dùng hàng hóa, sử dụng dịch vụ của An Giang vẫn còn tiềm năng rất lớn, chỉ cần dịch bệnh được kiểm soát là có điều kiện tăng trưởng mạnh.

Cùng với dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung ứng hàng hóa (siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, chợ đầu mối…) trên địa bàn tỉnh hoạt động. Sở, ngành, địa phương và DN cùng phối hợp thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động thương mại, hỗ trợ DN triển khai nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng.

Sức mua hàng hóa An Giang vẫn rất lớn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, năm 2022, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất xây dựng website thương mại điện tử, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp, DN OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước; đẩy mạnh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị...

Một trong những điểm sáng của năm 2021 là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1,12 tỷ USD, tăng 20,4% so năm 2020. Phát huy thế mạnh này, năm 2022, An Giang tiếp tục hỗ trợ DN xuất khẩu tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Tỉnh chủ động phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ thị trường (Bộ Công thương) kết nối thương mại; hỗ trợ xuất khẩu đối với thị trường tiềm năng mới. Bên cạnh đó, tập trung phát triển thị trường có sẵn (Trung Quốc, các nước Châu Á); phối hợp với bộ, ngành tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu mở rộng thị trường Campuchia và Trung Quốc, kết nối tiêu thụ hàng nông sản sang 2 thị trường tiềm năng này. Đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU), các quốc gia đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam (RCEP, EVFTA, EKVFTA, CPTPP…).

Thu hút đầu tư

Dịch bệnh COVID-19 tác động lớn đến sản xuất - kinh doanh, làm giảm số lượng dự án đầu tư vào An Giang. Để phục hồi nền kinh tế, tỉnh tiếp tục triển khai Đề án phát triển DN nhỏ và vừa giai đoạn 2020-2025; đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ DN nhỏ và vừa một cách toàn diện (về khả năng tiếp cận nguồn lực, năng lực quản trị, hoạch định chiến lược, ý thức tuân thủ pháp luật…) để nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần giảm chi phí cho DN; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khuyến khích, thúc đẩy và hỗ trợ DN trong tỉnh liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ với DN FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài).

An Giang cũng đẩy mạnh triển khai Luật DN (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi)… nhằm tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực có khả năng thu hồi vốn; ưu tiên bố trí vốn nhà nước thực hiện dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch 5 năm (2021-2025) về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; xây dựng đề án về lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025. Đây là chủ thể quan trọng trong liên kết, hợp tác với DN triển khai mô hình liên kết sản xuất. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2022. Kế thừa thành công của Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018, hội nghị năm sau được kỳ vọng sẽ thu hút thêm dự án đầu tư trọng điểm, tạo điểm nhấn, động lực tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021-2025.

Năm 2022, sở, ngành chuyên môn nỗ lực hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh An Giang thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo tính đồng bộ, kế thừa phát huy thế mạnh của từng địa phương. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả Chương trình trọng điểm về phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất và mời gọi đầu tư công trình, dự án trọng điểm tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025.

Để đáp ứng yêu cầu của DN, An Giang thực hiện giải pháp phát triển thị trường lao động; điều tra cập nhật biến động về cung - cầu lao động để hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động, xây dựng hệ thống thị trường lao động trong tình hình mới. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động sàn giao dịch việc làm; tích cực tuyển dụng lao động cho DN bằng nhiều hình thức…

Năm 2022, tỉnh tiếp tục triển khai mục tiêu đề án An Giang điện tử; chuyển đổi số (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số); phát triển xã hội điện tử an toàn, an ninh, lành mạnh. Đồng thời, tập trung xây dựng và triển khai “Trung tâm giám sát, điều hành thông minh” (IOC) tỉnh An Giang, tạo thuận lợi cho DN, người dân

 

NGÔ CHUẨN