Thoạt nhìn, khó tin rằng đây là căn nhà mô hình, bởi màu sắc, tỷ lệ bố cục, chất liệu… đều giống hệt nguyên bản, kể cả mức độ cũ kỹ phủ đầy thời gian trên mái, trên vách.
Mấy mươi năm qua, vợ chồng bác Tám đã nuôi anh và anh trai nên người, chắt chiu dành dụm sửa lại căn nhà nhỏ xuống cấp thành căn nhà nửa gỗ nửa bê-tông. Dần dần, nhà mới hóa cũ, sắp phải thay thế bằng lần xây cất khác. Một ngày, anh chợt nghĩ: “Sao mình không làm mô hình thu nhỏ để lưu giữ kỷ niệm lâu hơn?”.
Vậy là, “Ngôi nhà bác Tám” ra đời. Đây không phải là tác phẩm đầu tay của anh, nhưng lại là tác phẩm anh Để ưng bụng nhất. Anh dồn tất cả sự khéo léo, óc sáng tạo và tình yêu gia đình vào căn nhà này. Sau khi đo đạc kích thước căn nhà thật, anh sử dụng phần mềm vẽ mô phỏng theo tỷ lệ 80 x 45 x 40cm, rồi mới cắt ráp nguyên- vật liệu.
Từng chi tiết được anh tái hiện sinh động. Kích thước bé xíu, nhưng nhìn ở góc độ nào, căn nhà mô hình vẫn đầy đủ bộ phận, trung thành với nguyên mẫu.
Điều đặc biệt nhất là căn nhà được tạo hình chủ yếu từ chất liệu tấm ép Foam. Nhưng anh gia công pha màu, sơn từng bộ phận để tạo hiệu ứng chất liệu khác nhau. Ví dụ như, mái nhà bằng “tole lạnh” sẽ giữ được màu sắc tươi mới hơn những “tấm thiếc”. Anh phân biệt chúng bằng cách tạo ra mảng sét trên thiếc rất chân thực.
Sống ở cạnh sông, ngày nào anh cũng qua lại bến đò Rạch Gộc. Vậy là, anh quyết định làm mô hình chiếc phà mình thường đi. Anh quan sát từng bộ phận của phà, chụp ảnh lại tham khảo hình dáng chính xác. Tranh thủ những tối rảnh rỗi, anh “lắp ráp” dần dần. Hiện nay, chiếc phà đã hoàn thành 70%, ra dáng ra hình.
“Tôi thích “thu nhỏ” mọi thứ thân thuộc thành vật dụng cầm trên tay, có thể nhìn ngắm trong tầm mắt. Vào bảo tàng, nhà lưu niệm, thấy các mô hình được trưng bày, tôi tìm hiểu trên mạng Internet, mày mò làm theo, chưa từng học chuyên sâu. Trước đây, tôi làm mô hình bằng tăm tre, que đè lưỡi, nhưng nhược điểm của chúng là không thể sơn màu, nhìn đơn điệu lắm” – anh Để chia sẻ.
Trong 3 năm qua, gần 10 tác phẩm mô hình nhà, tàu thuyền đã được anh Để thực hiện. Cái nào nhanh thì mất vài buổi, lâu thì cả tháng trời. Có cái, anh làm cho riêng mình. Có cái, anh làm theo đặt hàng của khách, giá vài trăm đến vài triệu đồng. Tác phẩm làm ra, anh thích đến mức, có chút tiếc nuối khi… giao hàng cho khách.
Người thân sống cạnh làng bè dọc theo TX. Tân Châu, huyện An Phú. Anh tới lui nơi này, lưu giữ hình ảnh căn nhà bè vào tâm khảm mình. Vậy là, mô hình nhà bè nổi trên sông ra đời, có thể trang trí ở hồ nước, y hệt nhà thật.
Những chi tiết rất nhỏ được anh chăm chút thiết kế. Nhìn vào mô hình, người ta cảm nhận được độ chênh vênh của căn nhà bè giữa dòng nước xiết, sự cần cù chịu thương chịu khó của cư dân sống dựa vào thủy sản, niềm thân thuộc của nhà bè, của xuồng ghe trải dài khắp miền An Giang sông nước.
Người quê giờ có xu hướng rời quê, tìm kế mưu sinh ở đô thị, bỏ lại mái nhà, con sông từng gắn bó cả đời. Tái hiện lại góc quê bình yên vừa giúp thỏa niềm đam mê sáng tạo, vừa thể hiện mong ước sâu lắng trong lòng anh Để: Gợi lại hồi ức quê hương, xứ sở trong lòng người đi xa. Biết đâu, họ sẽ trở về, cùng xây dựng làng quê tươi mới, trù phú hơn…
KHÁNH ĐĂNG