Chiều 31-1 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng cục Thuế. Nêu ví dụ về sự nhạy bén của ngành thuế các nước để thu hút đầu tư phát triển, giải quyết việc làm, Thủ tướng yêu cầu ngành thuế cần nghiên cứu chính sách thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với cấp Tổng cục, Thủ tướng mới dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của hai Tổng cục là Tổng Cục Thống kê và Tổng cục Thuế. Thủ tướng đánh giá cao ngành thuế năm qua lần đầu tiên thu ngân sách vượt 1 triệu tỷ đồng, vượt dự toán 5,2%, đóng góp quan trọng vào thành tích chung về kinh tế xã hội cả nước.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị.
Cho biết khi làm việc với các địa phương đều yêu cầu phấn đấu tự cân đối ngân sách, Thủ tướng vui mừng nhận thấy có 38 địa phương có số thu trên 5.000 tỷ đồng. Kết quả tích cực đó có sự phối hợp đồng bộ của ngành thuế. Công tác hiện đại hóa ngành thuế, nhất là quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế thông qua nộp, hoàn thuế điện tử, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm được đẩy mạnh. Điều đó giúp chỉ số nộp thuế của nước ta đã tăng 81 bậc, đứng thứ 4 trong nhóm các nước ASEAN. Báo cáo của Chính phủ đánh giá đây là chỉ tiêu tăng thứ hạng nhanh nhất trong 10 chỉ tiêu đánh giá môi trường kinh doanh 2017 của nước ta.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập của ngành, trong đó công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư diễn biến còn chậm, còn sự phức tạp, gây khó khăn cho người nộp thuế. Trong nhiều năm qua, chính sách thuế thay đổi quá nhanh, quá nhiều, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp. Chính sách thuế vẫn theo tư duy có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, chưa hướng đến bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.
Thủ tướng nêu ví dụ từ quốc tế và yêu cầu ngành thuế cần có sự nhanh nhạy hơn trong xây dựng chính sách thuế: "Khi ông Donal Trump tuyên bố giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ từ 35% xuống 21%, thì mất đi 1.500 tỷ USD, nhưng lại được rất nhiều người họ muốn phát triển sản xuất kinh doanh. Hay lợi nhuận đầu tư nước ngoài đưa về Mỹ thì đánh thuế giảm hẳn để kéo về nước Mỹ. Tất nhiên nước người ta khác nước mình, nhưng tôi nói sự nhạy bén, chính xác để thu hút phát triển, đầu tư phát triển, giải quyết việc làm để có số lượng đông hơn là rất quan trọng chứ không phải chỉ thuế suất cao hơn".
Toàn cảnh Hội nghị.
Cho rằng chính sách thuế vẫn tư duy coi trọng việc tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế, Thủ tướng nêu rất nhiều lĩnh vực mà ngành thuế chưa thể kiểm soát thu, trong đó có những giao dịch của doanh nghiệp nước ngoài nhưng thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò của ngành thuế trong việc hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp để có thể tăng cơ sở thuế: "Mấy triệu hộ cá thể có chuyển sang doanh nghiệp đâu. Cái này cũng là công tác vận động của Đảng, Chính phủ, của các cấp ủy chính quyền chứ không phải đổ hết cho ngành thuế, nhưng chúng ta cũng thấy rằng thủ tục nộp của chúng ta cũng rầy rà, phức tạp cho nên họ để hộ cá thể cho tiện lợi. 640.000 doanh nghiệp là rất đáng mừng, nhưng chúng ta cộng thêm vài triệu của hộ cá thể vào doanh nghiệp nhỏ và vừa nữa thì trong năm nay có trên 1 triệu doanh nghiệp chứ không phải đợi đến 2020. Chúng ta hướng dẫn làm sao, cơ chế làm sao? Cái này vừa là tồn tại nhưng vừa phương hướng các đồng chí phải đề xuất với Bộ trưởng Tài chính, để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ những cơ chế nào tạo thuận lợi nhất cho các hộ cá thể chuyển sang doanh nghiệp".
Về nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành thuế có biện pháp giảm tỷ lệ nợ đọng thuế về dưới 5% tổng thu ngân sách Nhà nước, phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, đảm bảo tỷ trọng chi đầu tư phát triển 26%, tỷ trọng chi thường xuyên 64,1% trong tổng chi ngân sách Nhà nước.
Để thực hiện được điều đó, ngành thuế cần tiếp tục hiện đại hóa ngành thuế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu khai thuế, nộp thuế, quản lý thuế, từng bước giảm giao dịch tiền mặt, giảm bớt sự tham gia hay can thiệp của con người mà chỉ phát huy vai trò giám sát và xây dựng chính sách ngành. Tổng cục Thuế dành thời gian nghiên cứu chiến lược cải cách thuế.
Khi xây dựng chính sách thuế phải đảm bảo ổn định, toàn diện, có sức sống, tránh thay đổi quá nhanh, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu: "Chúng ta xây dựng chính sách lấy người nộp thuế là trung tâm và là đối tượng phục vụ, quan tâm và bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Khi thiết kế chính sách thuế cần chú trọng mở rộng cơ sở thuế thay vì tăng thuế suất. Ngay cả khi bắt buộc tăng thuế suất thì cũng phải có sự kết hợp hài hòa với mở rộng cơ sở thuế. Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải duy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Chúng ta đang nói một Chính phủ hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, mà Chính phủ bao gồm hệ thống cán bộ, công chức, viên chức của Chính phủ, thì các đồng chí phải lo cái này cho người dân. Tôi thấy một số nước họ làm phản biện cái này rất tốt cho người nộp thuế, mình thì ít quá, cho nên chỉ thấy nghĩa vụ mà không thấy quyền lợi. Chúng ta phải khắc phục khâu này từ trong ngành thuế".
Dẫn ra một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tình trạng tiêu cực trong công tác thanh kiểm tra thuế, Thủ tướng yêu cầu nganh thuế phát động phong trào cán bộ ngành thuế nói không với tiêu cực. Thủ tướng cũng yêu cầu ngành thuế tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là dịp trước và sau Tết, kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm gian lận trốn lậu thuế.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, về nhiệm vụ thu ngân sách, năm 2017, ngành thuế thu được 1.019.000 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán. Tổng cục Thuế đã tiến hành trên 103 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, và giúp tăng thu 19 nghìn tỷ đồng. Thu nợ đọng thuế được gần 44.800 tỷ đồng, đạt 60% so với tổng số thuế nợ tính đến cuối năm ngoái.
Ngành thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục duy trì tốt tịch vụ kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Đến nay đã có 127/336 thủ tục hành chính thuế được cung cấp trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ 3 và 4. Cụ thể 99,7% số doanh nghiệp tham gia dịch vụ khai thuế điện tử. Trên 97,5% số doanh nghiệp nộp thuế điện tử./.
Theo VŨ DŨNG (VOV)