Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. (Nguồn: Reuters)
Chiều 13-3, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật sửa đổi luật đặc biệt về phòng chống dịch cúm và các bệnh truyền nhiễm năm 2013 nhằm giúp chính phủ đối phó hiệu quả hơn với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2), gây ra.
Như vậy, Quốc hội đã chính thức trao quyền ban bố tình trạng khẩn cấp cho Thủ tướng Abe Shinzo, khi Hạ viện đã thông qua dự luật này một ngày trước đó.
Với thời hạn hiệu lực trong vòng 2 năm, luật này cho phép Thủ tướng Abe ban bố tình trạng khẩn cấp nếu virus SARS-CoV-2 lây lan với tốc độ nhanh ở nước này và tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế.
Một khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, thống đốc các tỉnh, thành ở Nhật Bản có thể chỉ thị cho người dân địa phương phải ở trong nhà và yêu cầu đóng cửa các trường học cũng như hủy bỏ các sự kiện lớn.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng có thể yêu cầu các nhà sản xuất nhu yếu phẩm như dược phẩm và lương thực bán hàng hóa cho người dân.
Ngoài ra, chính quyền có thể tạm thời sung công đất đai và các cơ sở của tư nhân để xây dựng cơ sở y tế chữa trị cho bệnh nhân.
Trước đó, chính quyền của Thủ tướng Abe đã hứng chịu sự chỉ trích từ phía đảng đối lập về sự chậm trễ trong việc đối phó với dịch COVID-19.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới phản ứng có phần chậm chạp này là do Chính phủ Nhật Bản bị “trói buộc” bởi các quy định pháp lý hiện hành.
Trước khi dự luật mới được thông qua, Thủ tướng Abe chỉ có thể kêu gọi đóng cửa tạm thời tất cả các trường học và hủy, hoãn hoặc thu hẹp quy mô của các sự kiện lớn có đông người tham gia nhưng ông không có đủ cơ sở pháp lý cần thiết để yêu cầu các trường học, cơ sở công và các đơn vị tổ chức sự kiện bắt buộc phải thực hiện.
Chính vì vậy, trong các tuần gần đây, Thủ tướng Abe đã dành nhiều thời gian để nỗ lực thuyết phục các đảng đối lập hợp tác nhằm nhanh chóng thông qua dự luật trên tại Quốc hội.
Trong nỗ lực khác nhằm khống chế dịch COVID-19, Bộ Ngoại giao Nhật Bản vừa ban hành cảnh báo đi lại tới nhiều quốc gia ở khu vực Trung Đông và châu Âu, cùng với bang Washington của Mỹ, đồng thời nâng cấp độ cảnh báo đi lại tới nhiều khu vực ở châu Âu.
Cụ thể, bộ này đưa ra cảnh báo đi lại cấp 1 (cẩn trọng khi tới khu vực bị cảnh báo) đối với Iceland, Áo, Hà Lan, Thụy Điển, Slovenia, Đan Mạch, Nauy, Bỉ, Monaco, Liechtenstein, Andorra, Luxembourg ở châu Âu, Qatar và Bahrain ở Trung Đông, bang Washington của Mỹ.
Bên cạnh đó, bộ này đưa ra cảnh báo đi lại cấp 2 (tránh đi lại tới khu vực bị cảnh báo nếu không cần thiết) đối với bang Ticino của Thụy Sĩ, giáp biên giới với Italy, và thủ đô Madrid cùng với 2 khu vực khác ở Tây Ban Nha.
Ngoài ra, theo hãng tin Jiji Press, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng mở rộng lệnh cấm nhập cảnh đối với các du khách nước ngoài.
Hiện tại, Nhật Bản đang cấm nhập cảnh đối với những người nước ngoài đã từng đến những khu vực có đông người mắc COVID-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Italy và San Marino.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng yêu cầu những người đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc, bao gồm cả công dân Nhật Bản, phải tự cách ly ở nhà hoặc các cơ sở chỉ định trong 2 tuần khi đến nước này.
Ở chiều ngược lại, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, đến sáng 12-3, có 29 nước và vùng lãnh thổ đã áp đặt hạn chế nhập cảnh đối với người đến từ Nhật Bản.
Bên cạnh đó, có 70 nước và vùng lãnh thổ yêu cầu những người đến từ Nhật Bản phải cách ly tại các cơ sở chỉ định trong một thời hạn nhất định.
Tính đến 10 giờ 30 sáng 13-3 (theo giờ địa phương, tức 12 giờ 30 theo giờ Việt Nam), Nhật Bản đã ghi nhận 1.372 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 696 người trên du thuyền Diamond Princess, và 26 ca tử vong.
Theo ĐÀO THANH TÙNG (Vietnam+)