Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm Kinh doanh Việt Nam–Nhật Bản

21/05/2023 - 16:39

Chiều 21/5 (giờ địa phương), nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Tọa đàm Kinh doanh Việt Nam-Nhật Bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) phối hợp một số cơ quan tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm Kinh doanh Việt Nam - Nhật Bản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm Kinh doanh Việt Nam - Nhật Bản.

Tại Toạ đàm, đại diện lãnh đạo JETRO, quan chức Nhật Bản bày tỏ sự vui mừng được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến Hiroshima tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng; cho rằng, Tọa đàm này quy tụ nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản có thành tích đầu tư ở Việt Nam ở mức hàng đầu, do đó sự kiện này có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp hai nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư song phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm Kinh doanh Việt Nam–Nhật Bản ảnh 1

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam; coi Việt Nam là điểm hấp dẫn trong đầu tư; nêu rõ, phát triển kinh tế của Việt Nam kéo theo nhu cầu gia tăng về năng lượng; việc trung hòa carbon có vai trò quan trọng trên thế giới, trong đó Nhật Bản có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, mong được chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.

Các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản đồng thời kiến nghị Chính phủ Việt Nam quan tâm hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, cấp phép kinh doanh…; thúc đẩy nguồn năng lượng xanh, cung cấp điện ổn định; kiểm soát chặt chẽ giá đất...

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm Kinh doanh Việt Nam–Nhật Bản ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Tọa đàm Kinh doanh Việt Nam-Nhật Bản.

Phát biểu ý kiến tại Tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vinh dự được đến Hiroshima – thành phố hòa bình; nêu rõ, Việt Nam là dân tộc rất yêu chuộng hòa bình, vì Việt Nam hiểu rõ cái giá của hòa bình.

Qua 9 ý kiến của các doanh nghiệp, Thủ tướng cảm ơn phía Nhật Bản luôn đồng hành, thể hiện quyết tâm đầu tư vào Việt Nam, thể hiện sự tin cậy, tình cảm, thấu hiểu, chia sẻ để đi đến thành công với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; thể hiện trách nhiệm, quyết tâm vượt qua khó khăn để phát triển.

Việt Nam là dân tộc rất yêu chuộng hòa bình, vì Việt Nam hiểu rõ cái giá của hòa bình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản chưa bao giờ phát triển tốt đẹp như hiện nay, đúng tầm với quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng. Chúng ta đến với nhau chân thành, tình cảm, chia sẻ, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Nhật Bản luôn là quốc gia viện trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam. Qua các đời Thủ tướng Nhật Bản đều hướng đến phát triển hạ tầng chiến lược cho Việt Nam; hai bên đang thảo luận về ODA thế hệ mới.

Vấn đề nữa là hợp tác lao động, Thủ tướng nêu rõ, tốc độ người Việt Nam ở Nhật Bản tăng nhanh nhất trong 10 năm qua, họ là cầu nối quan trọng, kết nối hết sức ý nghĩa trong mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng. Những người này sẽ góp phần thúc đẩy, kết nối 2 nền kinh tế phát triển lên một tầm cao mới. Với đà này, trong 10 năm tới, con số này sẽ tăng cao hơn nữa.

Thủ tướng cũng chia sẻ một số yếu tố nền tảng của Việt Nam, theo đó Việt Nam đang thực hiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; nền dân chủ XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính, chú trọng phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông để góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xuyên suốt quá trình này, Việt Nam coi con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Việt Nam luôn luôn lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra phù hợp, hiệu quả.

Với tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn luôn lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra phù hợp, hiệu quả. Thủ tướng đề nghị các công việc hai bên đang làm thì đã tốt rồi thì tốt hơn nữa, hiệu quả rồi thì hiệu quả hơn nữa.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, giữ ổn định chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, kết hợp hài hòa, hiệu quả hai chính sách này với nhau; cân bằng giữa lạm phát và tăng trưởng; khi lạm phát được kiểm soát thì Việt Nam ưu tiên tăng trưởng, tập trung 3 động lực tăng trưởng, đó là tiêu dùng trong nước, đó là miễn, giảm, gia hạn thuế, phí là lệ phí, cơ cấu lại nhóm nợ, giảm lãi suất ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng; hài hòa hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; hài hòa cung cầu; cân bằng yếu tố bên trong và bên ngoài.

Vấn đề liên quan đầu tư, Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực phát triển đất nước; động lực cho xuất khẩu, vì hiện nay, thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều đang bị ảnh hưởng, giảm tổng cầu, ảnh hưởng xuất khẩu của Việt Nam thì phải đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, thị trường. Việt Nam nỗ lực giải quyết các vấn đề về lao động việc làm: tìm các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm Kinh doanh Việt Nam–Nhật Bản ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu Nhật Bản tham dự Toạ đàm.

Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang tập trung cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; do đó, các doanh nghiệp Nhật Bản cần tập trung đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, chống biến đổi khí hậu; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; thực hiện trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Thủ tướng mong các doanh nghiệp hướng sản phẩm giảm phát thải carbon. Việt Nam cũng kêu gọi các nước phát triển giúp đỡ Việt Nam về vốn, công nghệ, quản trị, thể chế để thực hiện cam kết giảm phát ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thủ tướng cảm ơn các doanh nghiệp Nhật Bản thời gian qua dù khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng vẫn quyết tâm vào Việt Nam đầu tư, thể hiện tình cảm chân thành với Việt Nam; cảm ơn Chính phủ Nhật Bản, các doanh nghiệp nhân dân đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn thuận lợi, hiệu quả tại Việt Nam.

Thủ tướng mong muốn hai bên cùng nhau đóng góp cho mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản ngày càng đơm hoa kết trái.

Theo Nhân dân