Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương

16/03/2023 - 14:17

Sáng 16/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022 và định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Theo Tỉnh ủy Hải Dương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng. Năm 2045 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại; giữ gìn, phát huy di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông; đảm nhiệm vai trò đầu mối giao lưu kinh tế-xã hội giữa các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía bắc với vùng Đông Bắc, vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân trên 9%/năm.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Về quan điểm phát triển: tập trung khơi dậy khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh với quan điểm phát triển xuyên suốt, bao trùm: “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương”.

Các cán bộ chủ chốt tỉnh Hải Dương tham dự buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chiến lược phát triển gồm: Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm, ba đô thị động lực - Bốn trục phát triển.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành tham dự buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Bốn trụ cột: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; Phát triển nông nghiệp đa giá trị; Dịch vụ chất lượng cao; Đô thị xanh, hiện đại, thông minh. Trong đó, lấy phát triển công nghiệp công nghệ cao làm mũi nhọn để dẫn dắt phát triển dịch vụ, nông nghiệp và đô thị. Ba nền tảng: Văn hóa và con người Hải Dương; Môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch; Hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Một trung tâm và Ba đô thị động lực: Trung tâm phát triển là thành phố Hải Dương và các đô thị động lực Chí Linh, Kinh Môn, Bình Giang. Bốn trục phát triển: Trục Bắc - Nam, Trục Đông - Tây phía Bắc, Trục Đông - Tây trung tâm, Trục dọc các tuyến sông.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng trình bày báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023: về kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng trên 9%; tỷ lệ vốn đầu tư phát triển so với tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 33%; thu ngân sách nội địa tăng từ 10% so với dự toán giao; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 194 triệu đồng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt 12,4%; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trên 15%.

Về xã hội: tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ đạt 32,5%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi có BHXH đạt 48,6%; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,6%; tỷ lệ trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia đạt 82,6%; đạt 32 giường bệnh/10.000 dân và đạt 9,7 bác sĩ/10.000 dân; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 giảm còn 1,6%.

Theo Nhân Dân