Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo

06/05/2021 - 20:07

Ngày 6-5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Ngay đầu phiên họp, Thủ tướng trước hết nhắc lại các yêu cầu cấp bách hiện nay trong phòng chống Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đồng thời hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, không hoang mang lo sợ. Với hơn 1,2 triệu giáo viên, gần 24 triệu học sinh, sinh viên, bằng 1/4 dân số cả nước, ngành cần phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, sinh viên, giáo viên, đồng thời phải có các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ năm học, nhất là chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Thủ tướng nêu rõ, GD-ĐT là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước. Nhấn mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tổng thể, toàn diện, thẳng thắn về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, nhất là trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; nêu rõ những kết quả, thành tựu đạt được, những mặt chưa được, các bài học kinh nghiệm, rút ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp đột phá, tổng thể cho thời gian tới.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phải bắt đầu từ thể chế, theo tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”. Chọn một số việc cấp bách, khả thi, có tính chất “đòn bẩy, điểm tựa”, tác động lan tỏa mạnh mẽ để làm trước, làm dứt diểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Nhật Bắc

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nêu tám nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và ngành, gồm: rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở GD-ĐT trên cả nước; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ giáo dục các cấp, tập trung xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong các cơ sở giáo dục đại học; nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất cho các hoạt động GD-ĐT; công tác khảo thí, đánh giá trong giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số trong GD-ĐT; đẩy mạnh phân cấp quản lý và tự chủ đại học; hội nhập quốc tế trong GD-ĐT; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học công nghệ.

Bộ trưởng nêu một số khó khăn, thách thức với ngành, trước hết là nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Tình trạng phát triển không đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước, những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng núi thiếu giáo viên; các khu công nghiệp tập trung đông dân cư nhưng thiếu quỹ đất xây trường lớp. Cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, xuống cấp, thiếu đồng bộ…

Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đặt yêu cầu phát triển GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển đất nước bằng các cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực. Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Bộ trưởng cũng nêu nhiều kiến nghị liên quan tới đầu tư tài chính cho giáo dục; về công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần phải đánh giá đầy đủ, có cái nhìn toàn diện đối với ngành giáo dục Việt Nam trên bình diện quốc tế cũng như những bước tiến đã đạt được từ khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Phó Thủ tướng nêu quan điểm cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Bộ chịu trách nhiệm hướng dẫn về mặt chuyên môn, chính quyền các địa phương bảo đảm về cơ sở vật chất, giáo viên… Đồng thời, đề nghị thực hiện đầy đủ các nguyên tắc của giáo dục phổ thông như phải bảo đảm đủ trường lớp, giáo viên cho học sinh học hai buổi; không có lựa chọn đầu vào; đổi mới công tác quản trị nhà trường phổ thông theo hướng tự chủ, có sự tham gia của đại diện cộng đồng; siết lại việc thành lập các hội đồng trường đại học…

Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nguồn lực con người là quan trọng nhất, mang tính quyết định với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, để có nguồn lực con người thì ngoài truyền thống văn hóa - lịch sử của dân tộc, có vai trò vô cùng quan trọng của giáo dục. Thành tích, kết quả mà ngành đạt được là rất lớn so với khả năng, điều kiện của nền kinh tế nước ta, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, sự tham gia của hệ thống chính trị và của nhân dân.

Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết 29 của T.Ư về đổi mới toàn diện, căn bản GD-ĐT, các quy định của của nhà nước, ngành đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều thành tựu cơ bản. Chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, đào tạo nghề được nâng lên. Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh bốn khó khăn, hạn chế rất cơ bản của ngành giáo dục.

Thời gian qua, ngành đã tích cực xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, nhưng cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Việc hoàn thiện thể chế phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Ngành cũng chưa làm tốt công tác thông tin - truyền thông, nhất là về những thành tựu, kết quả đã đạt được. Cùng với đó, nếu các vụ việc riêng lẻ, các vấn đề không được giải quyết, giải trình đến nơi đến chốn dễ dẫn tới bức xúc trong xã hội. Việc xử lý các hiện tượng tiêu cực trong ngành, trong đó có tình trạng “chạy trường, chạy lớp”, không thể vội vàng, nôn nóng, giải quyết trong ngày một ngày hai, nhưng cũng không thể trì trệ, cầu toàn. Phải có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp, thiết kế quy chế, quy định, công cụ luật pháp để ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong ngành, đi đôi với kiểm tra, giám sát. Việc phân cấp quản lý còn nhiều hạn chế, bất cập. Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo căn cứ khoa học, xuất phát từ thực tiễn, vừa làm vừa hoàn thiện.

Thủ tướng nêu rõ, nguyên nhân của các vướng mắc, hạn chế trên có cả chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Lãnh đạo Bộ phải thực sự mạnh mẽ, quyết liệt trong hành động, có phương pháp phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, làm việc phải đến nơi đến chốn, nói phải rõ để người dân, xã hội và dư luận biết, hiểu đúng về tình hình thực tế của ngành. Chủ động giải quyết công việc, phối hợp tốt hơn với các bộ ngành, địa phương.

Về tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, giải quyết các vấn đề của ngành, Thủ tướng nêu rõ ngành giáo dục phải vươn lên mạnh mẽ, tiếp tục đổi mới tư duy quản lý, tư duy giáo dục, chủ động, tích cực, sáng tạo, bám sát tinh thần Nghị quyết 29 và Kết luận 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29, Luật Giáo dục và các nghị định liên quan. Phải tự lực, tự cường vươn lên từ nội lực, không trông chờ ai làm thay. Làm việc thực chất, chống bệnh hình thức, tránh phô trương, không chủ quan, thỏa mãn.

Phát huy những thành tựu đạt được, những kinh nghiệm hay, bài học quý, những mô hình hay, cách làm hiệu quả để nhân rộng, đi đôi với khắc phục hạn chế, khuyết điểm, nhất là những hạn chế đã kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm.

Tập trung rà soát toàn bộ thể chế, cơ chế chính sách, đề xuất điều chỉnh, nhất là cơ chế, chính sách liên quan tới trường lớp, giáo viên. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng cho rằng, chủ trương, chính sách dù được nghiên cứu kỹ cũng không thể phủ kín các góc cạnh của cuộc sống, cho nên khi triển khai phải xuất phát từ thực tiễn, có lộ trình, có bước đi phù hợp. Ngành phải nghiên cứu, báo cáo, đề xuất, thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương chung cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và tình hình thực tế ở mỗi vùng miền. “Đây là việc phải làm và không ai làm thay được Bộ”, Thủ tướng nhấn mạnh một lần nữa.

Thủ tướng yêu cầu Bộ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của quản lý nhà nước là xây dựng chiến lược, quy hoạch; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí, định mức…; xây dựng công cụ để huy động các nguồn lực; hướng dẫn kiểm tra, giám sát; thanh tra, kiểm tra; khen thưởng, kỷ luật.

Thủ tướng nhắc nhở, phải thường xuyên rà soát, nghiên cứu, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện cho phù hợp với thực tiễn đã thay đổi rất nhiều so với các năm trước đây. Một ví dụ là quy định điểm trường tiểu học ở thành thị phải bảo đảm độ dài đường đi học của học sinh không quá 500m, vùng đặc biệt khó khăn không quá 2km, nhưng hiện nay giao thông đã phát triển hơn rất nhiều, quy định này có thể không còn phù hợp nữa.

Nghiên cứu, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện, quy định rõ nội dung nào phân cấp, phân quyền cho chính quyền các địa phương quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật, nội dung nào T.Ư quyết định. Tăng cường nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện công cụ quản lý hệ thống, tập trung cải cách hành chính, số hoá, quản lý trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ.

Phát triển các cơ sở giáo dục theo định hướng lấy học sinh là trung tâm, nhà trường (cơ sở vật chất, giáo trình, giáo án) là nền tảng, giáo viên phải là động lực, người truyền cảm hứng. Xây dựng, phát triển quan hệ hữu cơ giữa học sinh-nhà trường-giáo viên. Chuyển tư duy giáo dục từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực toàn diện.

Bộ GD-ĐT phải coi trọng công tác xây dựng đảng, tổ chức bộ máy, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý học tập, giảng dạy, đồng thời tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo. Quan tâm công tác truyền thông, tăng cường công khai, minh bạch để người dân hiểu, chia sẻ, thông cảm và đóng góp ý kiến cho ngành, phản ánh trung thực đầy đủ  các vấn đề một cách khách quan. Cùng với nhiệm vụ giảng dạy, cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong các trường đại học. Ngành cần hoàn thiện kịch bản chống Covid-19 để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm học, đồng thời là cơ sở kinh nghiệm để ứng phó những dịch bệnh khác có thể xảy ra trong thời gian tới.

Về các kiến nghị cụ thể của Bộ, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ và Bộ GD-ĐT trao đổi, phân loại, làm rõ nội dung nào thuộc thẩm quyền xử lý của địa phương, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Bộ. Với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xử lý, những vấn đề liên ngành, liên bộ thì cùng các bộ, cơ quan liên quan thảo luận, tháo gỡ. Vấn đề nào nằm tại các luật thì đề xuất, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung.

Theo THANH GIANG (Báo Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích