Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó, trong dư luận xã hội đã xuất hiện thông tin rằng cuộc bầu cử được chờ đợi từ lâu sẽ được tổ chức sau lễ đăng quang của Nhà vua.
Một số nhân vật bảo hoàng tại Thái Lan cho rằng Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) phải có trách nhiệm hoàn toàn với lễ đăng quang của Nhà vua. Do vậy, cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong tháng 5 sau lễ đăng quang, thay vì vào tháng 2-2019 như đã thông báo.
Tuy nhiên, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha đã bác bỏ những thông tin trên, khẳng định đây là những ý kiến cá nhân và không liên quan đến quyết định của chính phủ.
Trước đó ngày 1-1, Hoàng gia Thái Lan thông báo lễ đăng quang Nhà vua Rama X sẽ được tổ chức trong các ngày 4 - 6-5 tới. Trước khi tuyên bố về lễ đăng quang được đưa ra, khả năng hoãn bầu cử đã được đề cập tới trên các phương tiện thông tin đại chúng Thái Lan, cho rằng cơ quan bầu cử sẽ không kịp in đủ phiếu bầu cho cuộc bầu cử dự kiến ngày 24-2 tới.
Theo kế hoạch, Thái Lan sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 24-2-2019 tại 350 khu vực bầu cử. 150 hạ nghị sĩ sẽ được bầu theo danh sách các chính đảng.
Hai tháng sau đó, Ủy ban Bầu cử quốc gia sẽ công bố kết quả.
Quy trình chọn Thượng nghị sĩ được tiến hành từ ngày 16 - 27-12-2018. Ngày 27-4-2019, NCPO sẽ đệ trình Hoàng gia phê chuẩn danh sách 250 Thượng nghị sĩ. Ngày 7-5-2019, Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA) chấm dứt hoạt động. Tới ngày 8-5-2019, Quốc hội mới đi vào hoạt động trong vòng 15 ngày; ấn định ngày bầu Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện và bầu Thủ tướng mới.
Truyền thông Thái Lan đưa tin đảng Palang Pracharath đang nỗ lực để đảm bảo Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tiếp tục tại vị sau bầu cử.
Theo TTXVN