Reuters trích dẫn tuyên bố hôm nay (11/7) của ông Prayuth cho biết: “Từ giờ trở đi, tôi muốn rút khỏi chính trường, từ bỏ tư cách thành viên của Đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN)".
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha. Ảnh: Reuters
Ông Prayuth nhấn mạnh, với tư cách Thủ tướng, ông đã luôn làm việc chăm chỉ, nỗ lực hoàn thành trọng trách “bảo vệ quốc gia, tôn giáo và chế độ quân chủ vì lợi ích của người dân”. Vị Thủ tướng sắp mãn nhiệm cũng khẳng định, ông đã giúp đất nước đạt được nhiều thành quả, “vượt qua nhiều trở ngại trong nước và quốc tế vì sự ổn định và hòa bình”.
Ông Prayuth, 69 tuổi, vẫn là Thủ tướng tạm quyền cho đến khi một chính phủ mới được thành lập.
Ông Prayut, cựu tư lệnh lục quân Thái Lan, đã lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ dân cử của bà Yingluck Shinawatra năm 2014. Ông là người đứng đầu chính phủ quân sự Thái Lan cho đến khi được Hạ viện bầu làm thủ tướng sau thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019.
Kể từ đó đến nay, ông Prayuth đã 4 lần vượt qua các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của các nhà lập pháp, với lần gần nhất diễn ra hồi tháng 7 năm ngoái.
Cuối tháng 12/2022, ông Prayut tuyên bố sẽ tái tranh cử chức thủ tướng. Ngày 9/1, ông gia nhập đảng UTN, một động thái được tin nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.
Tuy nhiên, UTN đã để thua các đảng đối lập trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5 vừa qua khi chỉ giành được 36 ghế trong tổng số 500 ghế tại Hạ viện. Vào thời điểm đó, ông Prayut khẳng định bản thân "tôn trọng tiến trình dân chủ và kết quả bầu cử".
Quốc hội Thái Lan dự kiến sẽ bỏ phiếu bầu chọn thủ tướng mới kế nhiệm ông Prayut vào ngày 13/7. Doanh nhân Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) về nhất trong tổng tuyển cử, đang là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí này.
Theo TUẤN ANH (Vietnamnet)