Thủ tướng yêu cầu tham mưu xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn quốc gia

10/10/2022 - 14:33

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công an phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ về quy mô, quy trình thủ tục xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn quốc gia bảo đảm kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật; đồng thời đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân - những dịch vụ rất gần gũi, sát thực với người dân, số lượng lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quá trình chuyển đổi bao giờ cũng rất khó khăn và chuyển đổi số thì càng khó khăn hơn, vì đây là phương thức phát triển mới, là vấn đề chưa có tiền lệ, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng ngày 10/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số ngành công an nhân dân lần thứ nhất năm 2022 và công bố Ngày Chuyển đổi số ngành công an.

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã chính thức công bố Ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số Công an nhân dân.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là sự kiện khẳng định quyết tâm chính trị của lực lượng công an nhân dân – một trong những lực lượng tiên phong đi đầu trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời truyền tải thông điệp đổi mới, sáng tạo, đột phá trong thực hiện công cuộc chuyển đổi số ngành công an, góp phần chuyển đổi số quốc gia.

Hiện thực hóa các chủ trương của Đảng, Chính phủ lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số Quốc gia nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thủ tướng cho rằng, quá trình chuyển đổi bao giờ cũng rất khó khăn và chuyển đổi số thì càng khó khăn hơn, vì đây là phương thức phát triển mới, là vấn đề chưa có tiền lệ, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thời gian qua, Bộ Công an đã quyết liệt hành động, khẳng định vai trò tiên phong, nòng cốt và quyết tâm chính trị trong quá trình chuyển đổi số công tác quản lý dân cư, đặc biệt thể hiện qua việc triển khai “Đề án 06”, một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phục vụ nhân dân, nhưng cũng là nhiệm vụ rất khó.

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của Bộ Công an, công an các đơn vị, địa phương, với sự chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vất vả, nỗ lực hết mình phục vụ nhân dân của lực lượng công an nhân dân thời gian qua; góp phần nâng cao vị thế, vai trò của lực lượng công an nhân dân anh hùng trong giai đoạn hiện nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số ngành công an nhân dân lần thứ nhất năm 2022 và công bố Ngày Chuyển đổi số ngành công an - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, công cuộc chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số của ngành công an còn có những hạn chế và đối mặt với khó khăn, thách thức. Công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý phải đẩy mạnh hơn nữa. Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương còn có vướng mắc, chưa hiệu quả, chưa hình thành một hệ thống liên thông, thông suốt. Việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến tuy có nhiều chuyển biến nhưng tỉ lệ người sử dụng chưa nhiều, cần thúc đẩy hơn nữa.

Thủ tướng cũng cho rằng, an toàn, an ninh mạng nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu còn nhiều hạn chế.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chưa từng có tiền lệ và khó dự báo, cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra nhiều thách thức đối với lực lượng công an. Trong khi đó, triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Việc ngành công an tổ chức Hội nghị về chuyển đổi số hôm nay mới chỉ là những bước đầu, còn rất nhiều việc phải làm phía trước. Thủ tướng đề nghị Bộ Công an cần thống nhất nhận thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn nữa, tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt vai trò thường trực trong tổ chức triển khai Đề án 06 của Chính phủ, trọng tâm là ứng dụng hiệu quả hệ thống định danh và xác thực điện tử để khai thác thông tin của chủ thể danh tính điện tử phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; phục vụ các dịch vụ định danh và xác thực điện tử cho cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan; đẩy nhanh quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo hướng đơn giản, thuận lợi, giảm phiền hà cho người dân, qua đó giúp người dân, doanh nghiệp thấy được những lợi ích thiết thực của Đề án 06, góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số, quản trị thông minh.

Thủ tướng thăm gian trưng bày các sản phẩm về chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận và tham gia. Thủ tướng lưu ý, các dịch vụ hành chính công của ngành công an là những dịch vụ rất gần gũi, sát thực với người dân, số lượng thực hiện lớn, nên Bộ Công an cần phát huy tính tiên phong để tạo sức lan tỏa lớn. Việc thực hiện thủ tục trên môi trường số vừa thúc đẩy sự phát triển, vừa hạn chế tiêu cực, tham nhũng, phiền hà, sách nhiễu với người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ về quy mô, quy trình thủ tục xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn quốc gia bảo đảm kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an ninh mạng, an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin các bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là các hệ thống kết nối phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Thứ hai, nghiên cứu ứng dụng công nghệ số và các sản phẩm của cuộc Cách mạng khoa học lần thứ 4 trong công tác nghiệp vụ ngành công an nhằm bảo đảm các yêu cầu phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo điều hành của lực lượng công an với các trung tâm chỉ huy, chỉ đạo, xử lý điều hành thông tin đa nhiệm; hỗ trợ chỉ huy và triển khai công tác nghiệp vụ, giữ gìn an ninh trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm của ngành công an một cách tổng thể; đáp ứng yêu cầu quản trị xã hội bằng công nghệ số theo chức năng quản lý Nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của lực lượng công an.

Thứ ba, ngành công an cần nghiên cứu, có các cơ chế, chính sách ưu tiên phù hợp để thu hút chuyên gia, nhân lực chất lượng cao về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào phục vụ trong ngành công an. Đồng thời, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ thành công của các quốc gia tiên tiến để thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số ngành công an, tạo sự lan tỏa góp phần xây dựng Chính phủ số, công dân số, nền kinh tế số, xã hội số.

Thủ tướng tin tưởng rằng những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của Bộ Công an trong chuyển đổi số quốc gia sẽ được hưởng ứng, đón nhận một cách tích cực từ các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; các chiến sĩ công an nhân dân sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, vượt qua khó khăn, thách thức để trở thành người chiến sĩ xung kích trên mặt trận chuyển đổi số; tiếp tục nêu cao và làm tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân anh hùng "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thủ tướng nghe giới thiệu về các sản phẩm chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Việt Nam trở thành nước có định danh điện tử quốc gia

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, quán triệt các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, trong nhiều năm qua, lực lượng công an luôn xác định vai trò gương mẫu đi đầu trong cải cách hành chính lấy người dân là trung tâm phục vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Trong chuyển đổi số, Bộ Công an đã nhanh chóng thành lập các ban chỉ đạo ở các cấp công an từ Bộ đến công an các địa phương; ban hành Chương trình Chuyển đổi số trong công an nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và ban hành Kế hoạch hoạt động cụ thể cho từng năm để thống nhất triển khai thực hiện trong toàn lực lượng công an nhân dân.

Năm 2022, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số đặt ra 7 nhóm lĩnh vực công tác với 32 nhiệm vụ cụ thể; kết quả thực hiện trong 9 tháng năm 2022 đã đạt được nhiều thành tựu tích cực trên các lĩnh vực: Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý; phát triển các ứng dụng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và căn cước công dân; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm an ninh an toàn hệ thống thông tin điện tử của ngành công an và các bộ, ngành, địa phương... Đặc biệt, trong ứng dụng Cơ sở dữ liệu về dân cư và căn cước công dân, lực lượng công an đã cung cấp cho người dân nhiều tiện ích rất thiết thực về định danh nhân thân, sử dụng dịch vụ y tế, giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt... và trong thời gian tới sẽ tiếp tục cung cấp thêm nhiều tiện ích khác phục vụ đời sống của người dân góp phần xây dựng công dân số, xã hội số, kinh tế số.

Những kết quả nêu trên của lực lượng công an là rất cơ bản, quan trọng, nhưng nhiệm vụ ở phía trước còn rất lớn, rất khó khăn, trước mắt phải hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đặt ra trong Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022, tạo nền tảng cho những năm tiếp theo nhằm thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo báo cáo của Bộ Công an, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2022, đến nay, về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác, tính đến ngày 19/9, Bộ Công an đã triển khai kết nối chính thức đối với 12 đơn vị, bộ, ngành, 14 địa phương và 3 cục nghiệp vụ ngành công an. Hơn 27 triệu công dân đã được đồng bộ thông tin bảo hiểm xã hội; hơn 1,7 triệu công dân được đồng bộ thông tin đăng ký xe; hơn 1,5 triệu công dân được đồng bộ thông tin hộ chiếu…

Bên cạnh đó, Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, triển khai sổ sức khỏe điện tử, tích hợp thông tin khám chữa bệnh của công dân lên ứng dụng VNeID; tổ chức xác thực dữ liệu thông tin thuê bao với 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone để làm sạch nhằm giải quyết tình trạng SIM rác.

Đến nay, đã cấp hơn 73 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip trên tổng số gần 82 triệu công dân đủ điều kiện làm căn cước. Sau 3 tháng triển khai thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ ATM tại một số chỉ nhánh ngân hàng tại Hà Nội và Quảng Ninh, đã có 762 lượt công dân sử dụng thẻ căn cước công dân để giao dịch với tổng số tiền trên 22,73 tỷ đồng. Đã có 11.171/13.150 cơ sở y tế sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp tích hợp bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh, đạt tỉ lệ 84,9% với 1.675.330 công dân sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip đi khám chữa bệnh.

Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia.

Bộ Công an đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ danh sách thống kê số lượng công dân đã tiêm chủng, chưa tiêm mũi 4 vaccine phòng COVID-19 để làm cơ sở xây dựng kế hoạch phân bổ mũi tiêm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ danh sách thống kê số lượng công dân theo các độ tuổi đi học trên toàn quốc để xây dựng kế hoạch, phương án đào tạo, tuyển sinh các cấp và bố trí trang thiết bị, hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực giáo viên phù hợp điều kiện thực tế…

Theo HÀ VĂN (Chính Phủ)