Thúc đẩy “Chính phủ điện tử” - thực tiễn thời có dịch Covid-19

22/03/2020 - 08:17

Một tháng trở lại đây, việc thực hiện thúc đẩy “Chính phủ điện tử” có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó có sự góp sức không nhỏ của người dân.

Trước hết, cần khẳng định, trong bối cảnh tất cả các quốc gia trên thế giới đều mong muốn nước mình có thể tiếp cận và hòa nhập nhanh nhất với tiến trình số hóa toàn nền kinh tế thì việc nhiều người dân chưa quan tâm các thông tin kinh tế số, chưa tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thậm chí còn coi “Chính phủ điện tử” là việc của các cơ quan, đơn vị, Bộ, ngành, việc của các thành viên Chính phủ chính là nguyên nhân khiến các chuyên gia lo lắng, băn khoăn.

Đáng chú ý, để giải thích thực tiễn này, nhiều người cho rằng, do cơ sở hạ tầng kém, chưa đồng bộ, do trình độ công nghệ thông tin không đồng đều hay do công tác truyền thông kém. Luận điểm này từng gây tranh cãi.

Ông Nguyễn Hồng Thắng - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu quan điểm rõ ràng, ở 1 khía cạnh, đó là cơ sở hạ tầng: “Về mặt hạ tầng công nghệ để chia sẻ dữ liệu thì đến thời điểm này công nghệ chúng ta không phải lo. Công nghệ đã quá chín muồi và thừa công nghệ để trao đổi dữ liệu, sàng lọc dữ liệu và tích hợp dữ liệu. Quan trọng là cần 1 kiến trúc sư về dữ liệu của 1 cơ quan, đơn vị, có cái nhìn tổng thể về giá trị dữ liệu, không chỉ cơ quan, tổ chức mình mà vì mục đích chung hướng tới người dùng thì nó sẽ tập hợp rất nhiều nguồn tư liệu với nhau được. Quan trọng là phải biết quản trị dữ liệu cho tốt và biến dữ liệu thành thông tin có giá trị tri thức và hạ tầng công nghệ, cần quan tâm đến vấn đề an toàn thông tin, tổ chức dữ liệu an toàn, hiệu quả”.

Thúc đẩy "Chính phủ điện tử" là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay. (Ảnh minh họa: KT)

Không phủ nhận quan điểm “hạ tầng cơ sở là một thành tố quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử - hướng tới nền kinh tế số”, ông Nguyễn Xuân Hoàng – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần MISA, thành viên chủ chốt của Liên minh chuyển đổi số Việt Nam cho rằng, “vấn đề quyết sách và nhận thức quan trọng hơn nhiều”.

“Chính phủ đang thực hiện Chính phủ điện tử đến tất các cơ quan nhà nước, đó là điều rất là tốt. Chỉ có điều việc thực thi cần nhanh hơn và sâu rộng hơn nữa. Khó nhất vẫn là nhận thức. Tôi mong chờ, cơ quan Chính phủ cần tiên phong trong việc xây dựng hành lang pháp lý, chính sách, phải tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ số để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như người dân khi làm thủ tục, khi cần tương tác với Chính phủ.

Hiện nay rất nhiều dịch vụ công cũng đã được mức độ 3.0, 4.0, nhưng cũng còn vô vàn những dịch vụ khác cần phải đẩy mạnh, vẫn làm bằng tay, gây tốn kém thời gian cho các doanh nghiệp hay cả những người dân. Kiến nghị thứ ba, các cơ quan Chính phủ khi cần làm gì đó, đưa ra yêu cầu và thuê giám sát các doanh nghiệp thực hiện thay vì tự làm như hiện nay. Nhiều bộ ngành vẫn đang tự làm, như vậy một là không đúng chức năng,nhiệm vụ, thứ hai là cạnh tranh với chính doanh nghiệp mà chắc chắn là cơ quan Chính phủ không chuyên, không làm tốt được bằng doanh nghiệp”, ông Nguyễn Xuân Hoàng nói.

Câu chuyện nhận thức mà ông Nguyễn Xuân Hoàng nói tới bao gồm cả nhận thức ở tầm vĩ mô và nhận thức từ người dân. Nếu như cách đây ít phút chúng tôi thông tin khẳng định băn khoăn, lo lắng của các chuyên gia vì người dân chưa quan tâm tới tiến trình này, thì những ngày gần đây, thực tiễn đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Ví dụ dễ hiểu, gần gũi nhất là khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ thông tin và truyền thông khẩn trương thực hiện các giải pháp góp phần quản lý-hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Việc thu thập thông tin sức khỏe người dân qua các tờ khai y tế hay thông tin cơ sở lưu trú chính là nhiệm vụ thực hiện chỉ đạo này.

Thế nhưng, nếu tiến hành theo cách thức thông thường, công tác này có thể kéo dài hàng tháng, rất tốn kém kinh phí và nhân lực. Việc ra đời các ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ như ncov.moh.gov.vn; tokhaiyte.vn hay phiếu thu thập thông tin cơ sở lưu trú… được khẳng định có thể xoay chuyển tình thế, rút ngắn thời gian hàng ngày, thậm chí là hàng giờ nếu người dân hợp tác tích cực.

Thực tế, phản hồi từ người dân đã và đang khẳng định sự tiện lợi, hữu ích của những giải pháp số này.

“Có rất nhiều lợi ích. Mình có thể dựa trên  thông tin thu thập được, ít nhất  là trong đợt dịch này thì mình  có thể dự báo được chiều hướng  phát triển, khả năng lây lan rộng  thêm hay không. Ngoài việc thu thập  được thông tin đầy đủ thì sau  này có thể phục vụ nhiều mục đích hỗ trợ cho nhiều việc, ít nhất là việc điều hành của Chính  phủ hoặc là trong việc tạo ra những chính sách mới có tác động đến  toàn dân, tổ chức, doanh nghiệp. Có một nơi để tập trung khai thác  thông tin để đảm bảo thông tin  thống nhất, bởi vì hiện tại theo tôi biết, mỗi bộ, ban, ngành đều có những cơ sở  dữ liệu riêng. Có điều, việc triển khai hiện tại đang qua mạng internet thì  cũng cần phải đánh giá lại xem là hiệu quả của việc thu thập thế nào vì không phải ai cũng có khả năng để tương tác với các mạng xã hội hoặc các website để khai báo thông tin. Việc thu thập thông tin như hiện tại chắc chỉ được một phần nào đó”, một người dân cho hay.

Thực tế, đây là ứng dụng tương tác hai chiều, bởi qua những thông tin thu thập được, cơ quan chức năng sẽ quản lý được thông tin di chuyển của các đối tượng trong diện cần theo dõi như đối tượng đã nhiễm, có khả năng nhiễm bệnh hoặc đối tượng về từ vùng dịch…, giúp chính quyền và cơ quan y tế có quyết định nhanh chóng, chính xác những trường hợp nào nên và phải bị cách ly phòng tránh lây lan ra cộng đồng, cũng như có phương án hướng dẫn người dân phòng tránh dịch hiệu quả.

Từ đó, người kê khai sẽ sớm biết chính xác khu vực nào có dịch, khu vực nào an toàn, để chủ động bảo vệ sức khỏe chính mình và người thân, bảo vệ cộng đồng. Đáng chú ý, nếu như trước kia, vì lo lắng bị lộ thông tin cá nhân khi thực hiện hình thức thu thập thông tin này, thì ngày nay, cùng với cơ sở hạ tầng đầy đủ hơn, cùng với cam kết bảo mật thông tin từ cơ quan quản lý, người dân tin tưởng, đồng thuận ủng hộ triển khai hình thức này.

Câu chuyện thực tiễn góp phần khẳng định luận điểm: không phải người dân thờ ơ, không quan tâm tới nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử. Người dân cần có những chỉ dẫn, định hướng rõ ràng, có hệ thống, đặc biệt là cần sự cam kết, quản lý chặt chẽ từ cơ quan chức năng: không chỉ thu thập được một nguồn dữ liệu khổng lồ từ trong dân mà từng dữ liệu của mỗi người dân phải được cam kết sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, được bảo vệ chặt chẽ, đảm bảo an toàn. Đó cũng là một trong những yếu tố quyết định sự hình thành, phát triển và phát triển bền vững một Chính phủ điện tử.

Theo THU TRANG (VOV)