Thúc đẩy phát triển quyền sở hữu trí tuệ

03/05/2024 - 06:17

 - Thời gian qua, tỉnh An Giang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT), nhằm thúc đẩy sáng tạo, xác lập, khai thác và phát triển quyền SHTT, chính sách phát triển khoa học - công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo.

Giám đốc Sở KH&CN An Giang Tầng Phú An cho biết, năm 2023, đơn vị hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với 30 nhãn hiệu, 2 kiểu dáng công nghiệp và 3 sáng chế cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN). UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ 120 triệu đồng đăng ký bảo hộ trong nước cho 10 nhãn hiệu cá thể.

Hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương, UBND tỉnh phê duyệt cho phép Sở KH&CN sử dụng địa danh “An Giang” để đăng ký bổ sung nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Sở KH&CN ban hành quyết định trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho 5 cơ sở; gia hạn quyền sử dụng nhãn hiệu cho 10 cơ sở. Hỗ trợ 80.000 tem nhãn hiệu chứng nhận An Giang cho 5 tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, giúp người tiêu dùng nhận biết nguồn gốc đây là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Kết nối cung cầu công nghệ cho doanh nghiệp

Công tác quản lý nhà nước về SHTT tiếp tục được duy trì và thực hiện tốt, kịp thời cập nhật quy định mới để hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể thực hiện thủ tục đăng ký, nắm rõ quy trình thẩm định đơn, công bố và cấp văn bằng/giấy chứng nhận của Cục SHTT. Ngoài ra, thông qua hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể biết cách xác lập, bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ, tránh xâm phạm và bị xâm phạm quyền đối với chủ thể khác.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, bên cạnh đó, vai trò quản lý của Nhà nước được nâng cao, qua xây dựng, triển khai chính sách phù hợp, hỗ trợ, khuyến khích đổi mới công nghệ, áp dụng KH&CN trong sản xuất; khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; hỗ trợ DN trẻ, DN đầu tư vào sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh.

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về SHTT được đẩy mạnh trên phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương; đặc biệt là DN đã coi trọng việc phát triển tài sản trí tuệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, một số ít tổ chức, cá nhân còn nhận thức thấp, chưa quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT, chỉ đăng ký xác lập quyền SHTT khi có dấu hiệu bị vi phạm, khi được kiểm tra, nhắc nhở hoặc khi tài sản trí tuệ có nguy cơ bị mất.

Hỗ trợ xác lập, phát triển tài sản trí tuệ

Trong công tác hướng dẫn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, Sở KH&CN lồng ghép tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của DN và người tiêu dùng về tôn trọng quyền SHTT, chấp hành quy định pháp luật về SHTT, tránh sử dụng dấu hiệu tương tự, trùng lặp với đối tượng quyền SHTT đã được bảo hộ, góp phần hạn chế hành vi xâm phạm quyền SHTT đã được bảo hộ, hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên thanh, kiểm tra và nhắc nhở các đơn vị kinh doanh hoạt động văn hóa, đoàn nghệ thuật phải thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả, quyền liên quan. Mở đợt kiểm tra đột xuất dịch vụ văn hóa công cộng, như: Kinh doanh karaoke, vũ trường và các hoạt động liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan khác, nhằm kịp thời phát hiện vi phạm.

Cục Hải quan kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng hóa giả mạo về SHTT và hàng xâm phạm quyền SHTT. Kiểm tra, giám sát trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng giả, hàng hóa giả mạo về SHTT và hàng xâm phạm quyền SHTT; kiểm tra, xác định xuất xứ một số mặt hàng xuất, nhập khẩu có kim ngạch tăng đột biến, mặt hàng trong diện áp dụng thuế suất chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, có nguy cơ buôn lậu hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHTT, gian lận xuất xứ, giả về chất lượng, giả về nhãn hiệu, trốn thuế, chuyển tải bất hợp pháp.

  Để thúc đẩy hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, Sở KH&CN cho biết, đơn vị còn phối hợp tổ chức tập huấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nhiều mô hình, đề tài nghiên cứu, dự án ứng dụng đổi mới công nghệ nổi bật, các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu) được bảo hộ đã khai thác và phát triển hiệu quả.

Đặc biệt, đưa vào hoạt động sàn giao dịch công nghệ và không gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN An Giang). Năm 2023, tổ chức 4 phiên kết nối cung cầu công nghệ với các đơn vị, DN trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ 5 dự án, kinh phí 6,5 tỷ đồng. Đồng thời, hướng dẫn DN sử dụng công cụ SHTT để tra cứu thông tin trước khi tiến hành nộp đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Nhờ vậy, người sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng đã nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xác lập, bảo hộ, khai thác và phát triển các quyền SHTT, có ý thức hơn về việc tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT. 

Nhằm tôn vinh vai trò của SHTT trong đời sống kinh tế - xã hội, Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) chọn ngày 26/4 hàng năm là “Ngày sở hữu trí tuệ thế giới”, với chủ đề "Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo".

HẠNH CHÂU