Thúc đẩy vũ khí mạnh nhất của nhân loại

03/10/2024 - 19:26

Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) đã phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp về tình hình Trung Đông ngay trong ngày 2/10, Ngày quốc tế phi bạo lực, khi mà nguy cơ căng thẳng giữa Israel và Iran leo thang có thể khiến bạo lực lan rộng hơn nữa ở khu vực.

Trẻ em sơ tán tránh xung đột từ ngoại ô Beirut tới Tripoli, Liban ngày 28/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Hai bên cảnh báo tiếp tục đáp trả lẫn nhau sau vụ Iran phóng hàng loạt tên lửa hướng về phía lãnh thổ Israel, trong khi Israel trước đó không kích vào lãnh thổ Liban khiến thủ lĩnh tối cao của Hezbollah thiệt mạng và bắt đầu chiến dịch tấn công giới hạn trên bộ nhằm vào các mục tiêu của Hezbollah ở phía Nam Liban. Những giải pháp quân sự được lựa chọn khiến xung đột tại Trung Đông sau 1 năm đã mở rộng từ Gaza sang Liban.

Năm nay, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã trải qua Ngày quốc tế phi bạo lực rất bận rộn. Chỉ vừa mới kịp gửi đi thông điệp kêu gọi các nước trên thế giới chung tay hiện thực hóa tầm nhìn “bảo đảm một nền văn hóa hòa bình, khoan dung, thấu hiểu và không bạo lực”, người đứng đầu LHQ lại nhanh chóng di chuyển tới cuộc họp của HĐBA LHQ, với lời kêu gọi Israel và Iran dừng ngay vòng xoáy bạo lực “ăn miếng trả miếng” đang gây ra đau khổ cho người dân trong khu vực.

Màn đối đầu hiện tại giữa Israel và Iran chỉ là một phần của một “thế giới đang đầy rẫy bạo lực” như những gì Tổng Thư ký LHQ Guterres nói trong thông điệp ngày 2/10 với nhiều cuộc xung đột đang diễn ra, từ Ukraine, đến Sudan, Trung Đông. Theo Siri Aas Rustad, Giáo sư Viện nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO), bạo lực trên thế giới đang ở mức cao nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Các số liệu cho thấy bối cảnh xung đột ngày càng trở nên phức tạp, với nhiều tác nhân xung đột hoạt động trong cùng một quốc gia. Báo cáo Xu hướng xung đột: Tổng quan toàn cầu của PRIO công bố hồi tháng 6 chỉ ra năm 2023 là một trong những năm bạo lực nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, với con số kỷ lục là 59 cuộc xung đột.

Xung đột bạo lực không chỉ xảy ra ở một khu vực mà hầu hết các châu lục từ châu Phi, đến châu Á, sang cả châu Âu, trong đó theo báo cáo của PRIO, châu Phi vẫn là khu vực có nhiều xung đột nhất mỗi năm (28), tiếp theo là châu Á (17), Trung Đông (10), châu Âu (3), với các cuộc xung đột lớn dễ nhận biết nhất như nội chiến ở khu vực Tigray của Ethiopia, xung đột Ukraine và chiến tranh trên Dải Gaza. Sau tất cả, xung đột dù vì lý do gì hay hình thức nào cũng đều dẫn đến đau khổ và chết chóc mà chính người dân phải chịu đựng.

Theo đó, 3 năm qua chứng kiến nhiều ca tử vong liên quan đến bạo lực xung đột hơn bất kỳ thời điểm nào trong 3 thập niên qua. Chiến tranh, xung đột không hồi kết đẩy nền kinh tế thế giới vào một môi trường thiếu ổn định để phát triển và đời sống của nhân dân toàn cầu bấp bênh theo, từ đó ảnh hưởng tới mọi ngóc ngách của cuộc sống nhân loại.

Điều đáng buồn là thế giới có xu hướng đã trở nên quen với bạo lực, với một lý do là vì tình trạng này đã trở nên quá phổ biến. Theo Báo cáo Chỉ số Hòa bình toàn cầu (GPI) năm 2024, các cuộc xung đột đang trở nên quốc tế hóa hơn, với trên 90 quốc gia đang tham gia vào một cuộc xung đột vượt ra ngoài biên giới của họ, nhiều nhất kể từ khi GPI ra đời vào năm 2008.

Điều này làm phức tạp các quá trình đàm phán để đạt được hòa bình lâu dài và kéo dài các cuộc xung đột. Cạnh tranh giữa các cường quốc ngày càng gay gắt và sự trỗi dậy của các cường quốc cấp trung, những quốc gia đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực đã thúc đẩy quá trình quốc tế hóa xung đột.

Điều này cũng kéo theo xu hướng đáng lo ngại là xung đột bạo lực sau khi bùng phát sẽ không bao giờ kết thúc mà chỉ tạm thời lắng xuống để chờ cơ hội bùng lên. Theo báo cáo GPI năm 2024, số lượng các cuộc xung đột kết thúc với chiến thắng rõ ràng cho một bên đã giảm từ 49% trong những năm 1970 xuống còn 9% trong những năm 2010, trong khi các cuộc xung đột kết thúc thông qua các thỏa thuận hòa bình đã giảm từ 23% xuống còn 4% trong cùng kỳ.

Giữa một thế giới vẫn đầy bạo lực thì tinh thần “bảo đảm một nền văn hóa hòa bình, khoan dung, thấu hiểu và không bạo lực” có lẽ là liều thuốc quý hóa giải khổ đau. Ngày quốc tế phi bạo lực được lấy theo ngày sinh của Mahatma Gandhi, nhà lãnh đạo phong trào đòi độc lập của Ấn Độ và là người tiên phong trong chiến lược coi trọng đối thoại, hạ thấp bạo lực, biểu tượng của tinh thần tìm kiếm công lý và đấu tranh cho điều đúng đắn bằng con đường hòa bình.

Cố lãnh đạo Gandhi nổi tiếng với câu nói “Hòa bình là thứ vũ khí mạnh mẽ nhất của nhân loại” nhưng dường như không phải mọi nhà lãnh đạo đều có thể nắm bắt và vận dụng thứ vũ khí này để giảm thiểu đau khổ cho người dân. Trong thông điệp ngày 2/10, Tổng Thư ký LHQ Guterres nhấn mạnh “Gandhi tin rằng phi bạo lực là sức mạnh lớn nhất mà nhân loại có thể có - mạnh hơn bất kỳ vũ khí nào. Cùng nhau, chúng ta hãy xây dựng các thể chế để hỗ trợ tầm nhìn cao cả đó”.

Theo LÊ ÁNH (Báo Tin Tức)