Ông Nguyễn Văn Văn là con trai thứ 3 của liệt sĩ Nguyễn Văn Xái. Ông Văn kể, quê ông ở xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên), năm 1963, mẹ ông dẫn 3 người con về quê ngoại ở Vĩnh Hanh (Châu Thành) sinh sống. Lúc đó, ông Văn được cha dẫn theo cách mạng khi mới 10 tuổi, còn mẹ ở nhà nuôi chị và em của ông. Năm 1971, cha ông hy sinh bên nước bạn Campuchia. Sau giải phóng, ông về làm cán bộ xã Vĩnh Hanh cho đến nay. Năm 1978, ông lập gia đình và có 4 người con, nhà không đất sản xuất, vợ làm thuê, làm mướn để nuôi các con ăn học.

Vợ, chồng ông Nguyễn Văn Văn chăm sóc người con nằm liệt giường
Cuộc sống cơ cực, vất vả nhưng vợ, chồng ông hạnh phúc khi nhìn thấy các con khôn lớn và 3 đứa yên bề gia thất. Các con lớn lập gia đình ra ở riêng, tình thương của ông, bà dành trọn cho người con trai út Nguyễn Trường Sơn (sinh năm 1995). Tuổi càng cao, sức khỏe không còn như trước nhưng vợ, chồng ông cố gắng chắt chiu từng đồng tiền kiếm được để lo cho Sơn ăn học, với mong ước sau này con có cái nghề để lo cho bản thân, không phải khổ như cha, mẹ.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên Nguyễn Trường Sơn học hết lớp 9 cùng anh đi đến tỉnh Bình Dương làm, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tưởng như Nguyễn Trường Sơn sẽ là người gánh vác trọng trách chăm sóc gia đình thì lại trở thành gánh nặng khi Sơn bất ngờ bị tai nạn giao thông trên đường về nhà trọ đầu năm 2016. Người gây tai nạn bỏ chạy, người dân bên đường giúp đưa Sơn đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cấp cứu và báo tin về gia đình.
Khi hay tin con bị tai nạn, vợ, chồng ông như chết lặng, đến bệnh viện thì được bác sĩ thông báo Sơn bị chấn thương sọ não rất nặng, tiên lượng xấu. Khi đó, gia đình đưa Sơn đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) để tiếp tục chữa trị.
“Vợ, chồng tôi phải vay mượn khắp nơi, bán những gì trong nhà có thể bán được để lo thuốc thang và chi phí phẫu thuật. Do chấn thương quá nặng nên chỉ duy trì được mạng sống nhưng phải sống đời sống thực vật, nằm 1 chỗ, ăn phải truyền ống chứ không biết gì hết. Nhìn con mà tôi muốn được chịu thay nỗi đau mà nó phải gánh chịu” - ông Văn vừa nói vừa lau vội nước mắt.
Nhà nghèo không có đất sản xuất, ông Văn lại tuổi cao sức yếu, không còn sức lao động. Ông hiện là Phó Trưởng ban Nhân dân ấp Vĩnh Hòa, thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng và kiếm thêm được khoảng 700.000 đồng/tháng từ việc làm cộng tác viên Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Vợ ông là bà Phan Thị Phi, trước đây làm thuê, làm mướn phụ giúp việc nhà, từ khi con bệnh đến nay bà phải nghỉ làm để ở nhà chăm sóc con. Nhà có 4 người con, 3 người đã có gia đình riêng nhưng phần vì nghèo khó, phần ở xa nên không giúp được gì nhiều cho gia đình. Gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai của ông lão ngoài 60 tuổi, tóc đã hoa râm.
Bà Phi vừa khóc, vừa nói trong tiếng nấc: “Mấy ngày nay, bệnh tình thằng Sơn trở nặng, truyền cháo và sữa bằng đường ống nó cứ ói ra nên vợ, chồng tôi phải rút ống. Tụi tôi đã chuẩn bị tâm lý để lo hậu sự cho nó… Biết là con “ra đi” sớm sẽ tốt cho nó nhưng nhìn con như thế này vợ, chồng tôi không muốn kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hanh Nguyễn Thanh Tú cho biết: hoàn cảnh gia đình ông Văn gặp nhiều khó khăn, con bệnh tật nhưng ông luôn tận tụy, nhiệt huyết với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Biết được hoàn cảnh của gia đình, chính quyền địa phương nhiều lần vận động để hỗ trợ gia đình ông phần nào vơi bớt khó khăn. Tuy nhiên, rất cần sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng, các nhà hảo tâm để vợ, chồng ông có thêm nghị lực, niềm tin trong cuộc sống…
Độc giả hảo tâm muốn giúp đỡ ông Nguyễn Văn Văn (sinh năm 1953, ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành) xin vui lòng liên hệ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang, 399B, Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang. Điện thoại: 02963.945356. Tài khoản tại Kho bạc Nhà nước An Giang: 3711.2.1034590.00000 |
Bài, ảnh: PHƯƠNG DUY