Thời gian và địa điểm cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều được chính Tổng thống Donald Trump công bố ngày 10-5, vài giờ sau khi ông đón 3 công dân Mỹ được phía Triều Tiên thả tự do. Động thái thiện chí này của Triều Tiên đã dỡ bỏ một rào cản lớn ngay trước thềm đàm phán Thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Tổng thống Trump thông báo cuộc gặp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ diễn ra tại Singapore. Ảnh: The Independent
Lựa chọn quốc đảo Singapore, một quốc gia trung lập với mối quan hệ hợp tác với cả Mỹ và Triều Tiên được xem là “chiến thắng nhỏ” cho đội ngũ cố vấn của ông Trump, những người đã thuyết phục Tổng thống loại bỏ địa điểm gặp mặt Bàn Môn Điếm, ở khu vực biên giới phi quân sự giữa 2 miền Triều Tiên.
Singapore: Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ thành công
“Chúng tôi sẽ cùng nỗ lực để cuộc gặp này trở thành thời khắc đặc biệt của hòa bình thế giới”; “Tôi cho rằng cuộc gặp sẽ gặt hái thành công lớn” là những tuyên bố mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ấn định thời gian và địa điểm tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngay sau đó đã lên tiếng khẳng định, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới sẽ là một bước đi quan trọng trong lộ trình hòa bình. “Hội nghị có thể đạt được kết quả thành công”, ông Lý Hiển Long viết trên Twitter cá nhân.
Bộ Ngoại giao Singapore cũng có tuyên bố hoan nghênh quyết định của Mỹ vàTriều lựa chọn “Quốc đảo Sư tử” làm điểm gặp mặt. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Singapore nêu rõ, nước này sẵn lòng đăng cai cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều với hy vọng cuộc gặp này sẽ mở ra những triển vọng cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Theo kế hoạch, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp trong 1 ngày và hoàn toàn tập trung vào các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Hiện mọi con mắt đang đổ dồn về Singapore, “Quốc đảo Sư tử” có những điều kiện cần và đủ để đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ và một nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Theo Thời báo New York (The New York Times), Bàn Môn Điếm, Mông Cổ và cả Việt Nam trước đó đều có tên trong danh sách các địa điểm được cân nhắc cho cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Trong đó, lập trường chính trị trung lập của là yếu tố được xem xét hàng đầu, tuy nhiên, Singapore với khoảng cách hơn 4.800km với thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, sẽ thuận lợi cho một chuyến bay của ông Kim Jong-un.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều không phải bàn đàm phán dễ dàng
Lịch sử đã chứng minh vấn đề hạt nhân Triều Tiên không phải dễ dàng giải quyết chỉ trong một ngày đàm phán.
Nước Mỹ qua các đời Tổng thống đến nay đã mất ít nhất 25 năm, với những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Các cựu Tổng thống Mỹ là Jimmy Carter và Bill Clinton đã tới thăm Triều Tiên sau khi rời nhiệm sở. Hàng loạt các cuộc tiếp xúc Mỹ-Triều chính thức và không chính thức đã được thúc đẩy, thậm chí một thỏa thuận đã được ký kết năm 1994. Song, khoảnh khắc lạc quan này trôi đi rất nhanh. Thực tế cho thấy, mọi nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên đến nay đều thất bại.
Hơn 2 thập kỷ trôi qua và Triều Tiên giờ đây tuyên bố đã có tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể chạm tới nước Mỹ.
Từ đầu năm nay tình hình Triều Tiên đổi chiều tích cực đầy bất ngờ khi Washington và Bình Nhưỡng đi từ đe dọa hủy diệt tới bàn đàm phán thượng đỉnh chưa từng có. Cuộc gặp trong vài tuần tới giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un dù có kết quả hay không cũng sẽ đi vào lịch sử.
Lạc quan thận trọng
Giới chức Nhà Trắng khẳng định việc Triều Tiên thả 3 công dân Mỹ ngay trước thềm đàm phán thượng đỉnh là một động thái thiện chí, giúp dỡ bỏ trở ngại lớn giữa 2 bên.
Tuy nhiên, hành động của Triều Tiên cũng khiến Tổng thống Trump nghĩ rằng đây là minh chứng rõ ràng cho thấy “tiêu chuẩn kép” vừa thỏa hiệp vừa gây sức ép tối đa của ông với Triều Tiên đang phát huy tác dụng.
Bà Victoria Coates, một thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nói: “Chúng tôi không ảo tưởng. Chúng tôi biết chúng tôi đang phải đàm phán với ai”.
Về phía Triều Tiên, dù nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cam kết phi hạt nhân hóa, song ông không nói rõ định nghĩa cụ thể “phi hạt nhân hóa” của Bình Nhưỡng là gì và khi nào hay làm thế nào để thực hiện điều này.
Trong tuyên bố hôm 21-4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un nói rằng, Bình Nhưỡng sẽ ngừng thử hạt nhân và tên lửa. Lý do ông Kim Jong-Un đưa ra là “Triều Tiên đã hoàn thành mục tiêu của mình”. Liệu tuyên bố này có thể mang ý nghĩa rằng Triều Tiên đã đủ sức mạnh hạt nhân?
Có thể là nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã phát triển các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đủ để ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công nào, theo đó Triều Tiên hiện có đủ “sức mạnh đàm phán” với Hàn Quốc và cả Mỹ.
Theo các nhà phân tích, đội ngũ cố vấn cứng rắn của Tổng thống Trump vẫn đang cân nhắc các giải pháp quân sự bất chấp bầu không khí hòa giải tích cực.
Bà Victoria Coates cho biết thêm: “Mục tiêu của Tổng thống Mỹ là rất rõ ràng và không thể thay đổi trong vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Nếu Tổng thống không thấy được những tiến triển cụ thể trong vấn đề này thì có thể sẽ không có một thỏa thuận nào cả”.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Cory Gardner, một thành viên tham gia thỏa luận kế hoạch chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều cũng nói rằng, hy vọng về việc 2 bên đạt được là rất mờ nhạt.
“Đây là thời điểm lạc quan thận trọng. Dù vậy, Tổng thống hiểu rõ đây là cơ hội lịch sử để đạt được điều mà thế giới đã không thể làm được trong nhiều thập kỷ qua”, AFP dẫn lời Thượng nghị sĩ Cory Gardner.
Ông Cory Gardner khẳng định, Tổng thống Trump hiểu rõ nguy cơ phải đối mặt và định nghĩa “phi hạt nhân hóa” của Mỹ luôn là từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân./.
Theo HOÀNG LÊ (VOV)