Thương hồ chợ nổi

17/02/2018 - 01:58

 - Bình minh lên. Chợ nổi Long Xuyên nhóm họp ì xèo trên mặt nước. Ở đó, ngoài “đấng mày râu” còn thấp thoáng bóng dáng của những nữ thương hồ “đạp sóng” bôn ba vạn nẻo.

Không thua “đấng mày râu”

Gió bấc ràn rạt. Cái se lạnh của những ngày đầu xuân dường như bao trùm cả chợ nổi Long Xuyên. Dòng Mekong lặng trôi, trên mặt nước, cảnh người bán, người mua trên chợ nổi khá sung túc, tạo nên nét văn hóa độc đáo của cư dân vùng sông nước. Hàng chục chiếc ghe chành, ghe lườn từ khắp nơi quăng neo, đậu giữa dòng sông Hậu. Giao thông thủy ở đây đã hình thành trên 100 năm.

Từ trong mui ghe bước ra, cô Tám Sương (Huỳnh Thị Sương, 52 tuổi, ngụ huyện Kế Sách, Sóc Trăng) cất giọng ngọt ngào chào mời khách hàng. Hơn 32 năm bám nghề thương hồ, cô Tám Sương đã xuôi ngược không biết bao nhiêu cây số đường sông. Khi nhắc về quá khứ, cô tám Sương nhớ như in những ngày lang bạt, thăng trầm trên sông. Năm 17 tuổi, cô tám Sương theo cha lênh đênh, ngược xuôi khắp các chợ nổi miệt đồng bằng. Mùa cam, quýt chín rộ, cô Tám Sương dong ghe sang chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) hoặc Cái Răng (TP. Cần Thơ) lấy hàng, rồi sang chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang). Khi tới mùa sắn, ngô, khoai thì chạy thẳng xuống chợ nổi Sông Trẹm (Cà Mau) để bán. Mùa dừa trổ rộ, ghe của cô Tám neo đậu lại chợ nổi Long Xuyên. Buôn bán quen nước, quen sông và nếm trải biết bao sự đời nên cô Tám Sương không còn ngại ngần nữa. Về sau, cô Tám Sương lấy chồng, sinh con cũng bám níu cái nghề khổ cực này. Lâu dần, làm ăn khấm khá, cô Tám Sương đầu tư mua chiếc ghe trên 70 tấn buôn dừa. Hiện nay, ở các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre nông dân trồng dừa rất nhiều. Do đó, nguồn dừa khá phong phú, cách 2 ngày là cô Tám Sương thu mua đầy ghe, rồi chạy lên chợ nổi Long Xuyên giao lại cho bạn hàng nơi đây. “Ghe của tui chở được 15.000 trái dừa tươi. Dừa ở miệt dưới ngọt và giá rẻ lắm. Mỗi trái chỉ 3.000 - 4.000 đồng. Chạy lên chợ nổi Long Xuyên giao lại cho bạn hàng, giá 5.000 đồng/trái. Chủ yếu kiếm đồng lời chút đỉnh, chứ mình bán giá cao quá bạn hàng nơi đây không có lời. Làm ăn phải nương nhau để sống…”- cô Tám Sương nói sang sảng làm nhộn nhịp cả một góc chợ nổi.

Bán buôn tấp nập

Chợ nổi Long Xuyên đã che chở, bao dung biết bao phận thương hồ lang bạt xa xứ. Người ta ví von, thương hồ như những “kẻ giang hồ lãng tử” ngao du dòng sông mẹ theo tháng ngày. Những con người dung dị đậm chất thương hồ đã tạo nên những nét riêng, nét độc đáo trên sông. Lướt qua chợ nổi, từng chiếc ghe là thể hiện nét đặc trưng riêng của địa phương. Trên chợ nổi, cách buôn bán của bạn hàng độc đáo hơn những chuyến xe hoặc gánh hàng trên bờ. Người ta không rao bán, phát loa phóng thanh, mà họ bán êm đềm, lặng lẽ hơn. Trước chiếc ghe, chủ hàng treo sản phẩm trên thanh tre. Nào củ sắn, khoai lang, khoai mì, bí, dưa hấu, chuối, chôm chôm, dừa… Ai muốn mua gì thì ghé lại.

Chú Phạm Văn Tân (58 tuổi, ngụ xã Hội An, Chợ Mới)- một trong những thương hồ bám trụ tại góc trời này ngót nghét hơn 25 năm nói rằng, nhờ có cái chợ nổi mà nhiều bà con ở khắp nơi trong tỉnh nhà có công ăn, chuyện làm quanh năm. “Mỗi ngày, tui lấy 700 trái dừa, 100kg khoai lang, khoai mì, khóm, dưa hấu… đem bỏ mối tại miền quê. Vào những ngày Tết, chợ này đông như ngày hội. Nhờ vậy, ai nấy có thu nhập kha khá”- chú Tân trần tình. Ngày nào cũng vậy, nhóm chị Lài ở xã Phú Hòa (Thoại Sơn) đều giong xuồng cui ra chợ nổi để “bổ hàng” về bán ở nông thôn, kiếm thu nhập lúc nông nhàn. Chị Lài xởi lởi: “Sáng sớm, chúng tôi có mặt tại chợ nổi lấy hàng, rồi bơi vào các con kênh lớn, nhỏ để bán cho bà con nghèo. Chủ yếu lấy công làm lời, trung bình mỗi ngày kiếm thu nhập khoảng 150.000 đồng. Ngày Tết thì kiếm trên 200.000 đồng/ngày”.

LƯU MỸ