Trước kia, sau mỗi đợt cát bồi, người dân gánh hoặc xúc lên cộ bò kéo đi nơi khác để tiếp tục sạ lúa nhưng về sau, thấy nặng công mà không phù hợp với trồng lúa nên cứ thuận theo tự nhiên mà trồng trọt. Thế là bãi bồi thành nơi trồng hoa màu tươi tốt.
Xa xứ, tôi thường mơ về tháng ba, cứ lặp đi lặp lại như thế. Tháng ba đầy nắng. Tháng ba hoa màu xanh tươi lên như được tắm chút nắng ấm sau những ngày đông - xuân lạnh giá. Bãi bồi ngút ngàn một màu xanh, ngát hương bắp, ngạt ngào hương rau mùi. Tôi nghiện màu xanh ấy, tôi như ngất, như say với mùi hương rau mùi thoảng trong gió. Từng vạt nắng trải dài bãi bồi đẹp như tranh. Cái đẹp mà thiên nhiên ban tặng như có bàn tay vô hình sắp đặt, uốn nắn, phân chia bãi bồi nằm giữa, thẳng tắp chia đều hai dòng chảy.
Bãi bồi ven sông. Ảnh: Tư Liệu
Mùa lại qua mùa, bãi bồi thêm rộng. Nỗi nhớ của người xa quê với bãi bồi càng đầy.
Bãi bồi nhiều khiến người dân mất một phần đất trồng lúa nhưng bù lại mang về lắm phù sa mà ở đó, những phận người lam lũ trong làng được thay đổi nhờ cần cù, siêng năng, tận dụng cơ hội. Bao đời vẫn thế, thuận tự nhiên mà sống.
Bãi bồi ở đồng ruộng thì có chủ, riêng ở sông chẳng phải của ai. Người trong làng chia nhau canh tác, trồng trọt từ đời này qua đời khác. Nhờ đó, bãi bồi được phủ một màu xanh đẹp mắt, cuộc sống cơm áo cũng bớt cơ cực.
Sở hữu vài sào đất cho hai mùa lúa trong năm, nếu mưa thuận gió hòa đến mùa giáp hạt là mừng. Có thêm một khoảnh bãi bồi trồng hoa màu cũng tạm xoay xở cá mắm, dù thời gian canh tác ở bãi bồi trong năm không nhiều.
Với không ít người, bãi bồi là nguồn sống của gia đình. Họ dựng cả lều trại trên bãi bồi để tiện chăm sóc hoa màu, vài hôm mới về thăm nhà. Cả đời gắn với bãi bồi. Bãi bồi như là hơi thở, là năng lượng để lao động, để vui sống dẫu cái nghèo vẫn đeo bám họ.
Vào mùa, bãi bồi đông vui lắm. Các chị, các cô cơm đùm cơm nắm ở lại buổi trưa để nhổ đậu phộng, bẻ bắp. Ở đó, chuyện nhà, chuyện con cái, chuyện buồn vui của một thời tuổi trẻ lại được lần giở. Cánh đàn ông thì vun vén lại luống chuẩn bị cho mùa mới. Nói là làm vần công nhưng ai rảnh thì làm, không toan tính thiệt hơn. Tình làng nghĩa xóm cũng được vun đắp từ bãi bồi.
Bãi bồi chia đôi con sông hiền hòa, dòng chảy càng hiền, càng lành như dân quê bao đời vậy. Thương bãi bồi đắp phù sa. Thương bãi bồi mờ ảo trong sương sớm. Nhớ chiều nắng tắt chậm qua bãi bồi để rồi khi ngồi lắng lại, nghe ngát hương hoa màu, nghe đậm mùi quê.
Và nghe tuổi mình vừa qua.
Theo Người lao động