Thương nhớ chợ quê

15/01/2023 - 16:18

 - Giáp Tết rồi, mà nếp mua bán ngày thường vẫn cứ đủng đỉnh, chậm rãi ở chợ xã này. Người mua không vội là một lẽ, còn người bán cũng chẳng hối hả. Đến giờ, chợ họp. Hết giờ, chợ tan. Suốt mấy mươi năm đều như thế, quen rồi!

Khu vực chợ xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) nhỏ, nên “sạp hàng” cũng... nhỏ theo, vừa đủ để tiểu thương bày bán chút đồ quê.

Đó là chút rau cải trong vườn nhà, được mua lại từ bạn hàng với giá rẻ. 

Hoặc là chút bánh quê, chè đậu… tự nấu gói tại nhà. Sáng sớm, người quê lục đục thức dậy, cũng là lúc mấy món này vừa chín tới, nóng hôi hổi đợi khách mua.

Hàng hóa để chỏng chơ trên ghế, bởi ai muốn mua thì hỏi giá, không mua thì còn y thinh, không mất mát gì đâu (!).

Ở chợ quê này, có thứ gì, người ta "rút ruột" đem bán. Bà Sáu chia lại mớ hột vịt, nước màu, bánh tráng… của tiệm lớn, rồi ra chợ ngồi bán. Ngặt nỗi, ngày thường bà bận rộn giữ cháu. Chỉ có chủ nhật, bà rảnh tay, góp chút hàng ra chợ.

“Lượm bạc cắc”, nhưng chẳng ai nỡ bỏ chợ quê. Phần vì gần nhà, phần vì quen nếp chợ bình lặng gần 50 năm trời, đâu phải nói bỏ là bỏ.

Chợ nhỏ, chứ bán nhiều thứ lắm. Ngoài thực phẩm tươi sống, còn có mấy chỗ bán điểm tâm, chủ yếu phục vụ người địa phương. Thành ra, nồi nước lèo... cũng nhỏ, đủ mấy chục phần ăn mà thôi.

Một góc hàng xén đặc trưng của chợ quê. Món nào cũng có, mặc dù không nhiều, không phải hàng thương hiệu nổi tiếng. Nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của người dân xung quanh. Đang nấu lỡ tay, thiếu chút nước mắm, bột ngọt, dầu ăn… cứ xẹt ra chợ, mua vài ngàn “chữa cháy”, là xong!

Kể cả hàng may mặc, phụ kiện làm đẹp cũng được bán trong xóm chợ. Giá vài chục ngàn đồng một bộ, nên người quê dễ mua, dễ lựa, dễ xài…

Chừng mười mấy tiểu thương quây quần mua bán trong khu chợ trăm mét vuông, nên ai nấy biết mặt nhau, thân thiết đến mức vừa bán hàng vừa chòng ghẹo nhau đủ điều. Bà Hai bán mùng chiếu, bà Năm bán bánh tằm, bà Út bán bánh mì… Bán bên này, chứ toàn nói vọng qua bên kia, tiếng nói cười rôm rả.

Thời buổi này, nhà nào cũng có xe gắn máy. Nhưng đứng ở chợ quê này một chút thôi, chừng 20 khách dắt xe đạp đi chợ, thật hợp với khung cảnh giản dị, bình yên. Chợ nhỏ, khách không đông, không có chỗ gửi xe, thì xe đạp hoặc đi bộ là cách thức phù hợp nhất để tới lui khu chợ. Không phiền ai, cũng nhẹ cho mình.

Mấy bàn nhỏ bên hông chợ là chỗ dành cho cánh đàn ông ngồi uống cà phê, bàn chuyện trên trời dưới biển. Trong câu chuyện của họ, là ký ức về chợ quê mấy mươi năm chưa từng thay đổi, dẫu cuộc sống xoay vần, ngày càng hiện đại. Cũng trong câu chuyện ấy, họ gửi gắm niềm yêu quê chân chất, như quê đã gắn bó với họ cả cuộc đời…

KHÁNH ĐĂNG