Trong trường hợp Thượng viện thông qua dự luật và trình Tổng thống ký thành luật, TikTok có 6 tháng để đổi chủ sở hữu nếu không muốn bị cấm hoàn toàn tại Mỹ.
AA
Hiện nền tảng chia sẻ video ngắn nguồn gốc Trung Quốc có khoảng 170 triệu người dùng tại Mỹ, với tổng số thời lượng online của năm 2023 là 4,43 tỷ phút - theo dữ liệu từ eMarketer.
Phân tích của Kepios (Tổ chức theo dõi người dùng trực tuyến thế giới) cho thấy, TikTok có độ phủ 53,9% số người trưởng thành tại Mỹ, trong khi đó theo eMarketer, 45,3% người dùng mạng xã hội nói chúng tại đây sử dụng TikTok ít nhất một lần/tháng.
Thời hạn 6 tháng mà “Dự luật Bảo vệ người Mỹ khỏi ứng dụng do quốc gia thù địch kiểm soát” đưa ra để ByteDance thoái vốn hoàn toàn bị đánh giá là không thực tế - khi gã khổng lồ công nghệ này cần có sự chấp thuận của Trung Quốc - nước trước đó đã tuyên bố phản đối một lệnh “bán cưỡng bức” như vậy.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cấp cao đã tỏ ý muốn thâu tóm nền tảng mạng xã hội phổ biến này.
Cựu Bộ trưởng tài chính Mỹ Steve Mnuchin
Steve Mnuchin, chuyên gia đầu tư ngân hàng, từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời Donald Trump, đang tập hợp một nhóm nhà đầu tư tiềm năng để mua lại TikTok.
“Tôi nghĩ rằng dự luật sẽ được thông qua và TikTok sẽ chấp nhận bán mình”, Mnuchin nói với CNBC. “Công ty này nên thuộc sở hữu của một doanh nghiệp Mỹ. Người Trung Quốc sẽ không bao giờ để một công ty Mỹ điều hành nền tảng tương tự thế này tại Trung Quốc”. Cựu quan chức Washington cũng bổ sung rằng ứng dụng này cần được “làm lại” với công nghệ của Mỹ.
Rumble
Rumble là nền tảng video trực tuyến phổ biến với cộng đồng khuynh hướng bảo thủ. CEO Chris Pavlovski cho biết công ty đã liên hệ với CEO TikTok Shou Zi Chew và đề nghị cả hai “tham gia cùng các nhóm khác đang tìm cách mua lại ứng dụng và điều hành nền tảng bên trong nước Mỹ”. Hiện chưa rõ thông tin cụ thể về “các bên khác” được đề cập tới.
Vào tháng 1, Wired đưa tin Rumble đang bị Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ điều tra. Thời điểm đó, đại diện công ty cho biết họ tự nguyện cung cấp tài liệu cho cơ quan chức năng và mọi người không nên đưa ra kết luận sai lầm.
Đến tháng 2, Pavlovski đăng tải một bức thư nói rằng cuộc điều tra của SEC đã kết thúc và không có lệnh cưỡng chế nào được đưa ra.
Cựu CEO Activision Blizzard
Bobby Kotick rút lui khỏi vị trí dẫn dắt hãng game Activision Blizzard vào tháng 12 năm ngoái. Theo WSJ, ông đang tìm kiếm đối tác để mua lại TikTok và đã bày tỏ ý định này với đồng sáng lập ByteDance là Zhang Yimming và CEO OpenAI Sam Altman.
Kotick từ chối bình luận về những thông tin liên quan.
"Shark" Kevin O’Leary
Nhà đầu tư “Shark Tank” Kevin O’Leary khẳng định trong cuộc phỏng vấn với Fox News rằng TikTok “sẽ không bị cấm, do tôi sẽ mua lại nền tảng này”.
Trên tài khoản TikTok của mình, O’Leary nói rằng Meta và Google sẽ không tham gia vào thương vụ do những lo ngại từ phía cơ quan chức năng.
Theo “cá mập” này, các nhà đầu tư Trung Quốc có thể giữ 20% cổ phần công ty mới, nhưng CEO sẽ là một người Mỹ và máy chủ đặt tại Mỹ. Hiện tại dữ liệu người dùng TikTok Mỹ đang được lưu trữ tại Austin, cơ sở điện toán đám mây của Oracle.
Microsoft
Vào năm 2020, khi chính quyền Tổng thống Trump đe doạ cấm TikTok, gã khổng lồ phần mềm cho biết họ “cam kết mua lại TikTok với đảm bảo tuân thủ hoàn toàn đánh giá bảo mật và mang lại lợi ích kinh tế phù hợp cho nước Mỹ”. NBC News khi đó đưa tin, Microsoft sẽ mua cả chi nhánh TikTok tại Canada, Australia và New Zealand như một phần của thoả thuận.
Tuy nhiên, đề xuất này đã thất bại sau khi Oracle được chọn để giám sát hoạt động và dữ liệu người dùng TikTok tại Mỹ, trong khi ByteDance tiếp tục nắm quyền sở hữu đa số với nền tảng chia sẻ video. Sau đó Walmart và Oracle đã đề nghị đầu tư vào TikTok, song quá trình thảo luận ngừng trệ sau khi chính quyền Biden tiếp quản.
Theo VietNamNet
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: