Tại đợt 2 của kỳ họp, ĐBQH thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15; Luật Nhà ở số 27/2023/QH15; Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15; Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang tham gia nhiều lượt ý kiến đóng góp cho các dự án luật. Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương khẳng định, việc sửa đổi Luật Công đoàn góp phần giải quyết vướng mắc, bất cập phát sinh, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của công đoàn, đáp ứng quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới. Về hệ thống tổ chức công đoàn các cấp, thống nhất việc quy định cụ thể trong luật theo mô hình tổ chức 4 cấp. Việc quy định cụ thể này sẽ tạo ra sự tương đồng giữa Luật Công đoàn và Luật MTTQvn và các văn bản, luật khác liên quan.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương chủ trì thảo luận tại tổ 17
Hiện nay, quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn và công đoàn cơ sở trong công tác an toàn, vệ sinh lao động đã được quy định ở Luật An toàn, vệ sinh lao động (Điều 9, 10). Trong khi đó, Khoản 13, Điều 11, dự thảo luật quy định “công đoàn có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; tham gia điều tra tai nạn lao động…”. Theo đại biểu, việc thể hiện như vậy chưa thống nhất với Luật An toàn, vệ sinh lao động, cần nghiên cứu theo hướng rõ hơn, đầy đủ hơn.
Đối với Điều 16 và 17 (về giám sát của công đoàn và phản biện xã hội), đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị ban soạn thảo cần rà soát, cân nhắc thêm quy định về phạm vi, nội dung, phương thức thực hiện nhiệm vụ chủ trì giám sát và chủ trì phản biện xã hội; trách nhiệm, hướng dẫn thực hiện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về nội dung chủ trì giám sát và chủ trì phản biện xã hội cho các cấp công đoàn khi Luật có hiệu lực thi hành… Bên cạnh đó, đề nghị ban soạn thảo quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Nhà nước đối với tổ chức công đoàn theo Khoản 5, Điều 24; việc quản lý sử dụng tài chính công đoàn tại Điều 30.
Về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh cho rằng, luật này rất quan trọng, tuy nhiên quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là 2 loại quy hoạch có tính chuyên ngành, khác nhau rất rõ, phân chia theo địa giới hành chính. Đại biểu đề nghị điều chỉnh tên gọi thành “Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn”.
Đối với dự án Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu băn khoăn về tên gọi, giải thích từ ngữ, như: “Tài nguyên vị thế”, “di chuyển địa chất”, “di sản địa chất”, “tai biến địa chất”, “đất tôn giáo”, “khoáng sản có giá trị quý hiếm”... Riêng với từ “di sản địa chất”, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần rà soát lại, bởi trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) không có quy định về “di sản địa chất”.
Đóng góp dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến (Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng) bày tỏ suy nghĩ đối với các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua: Trách nhiệm chính đối với các cơ quan liên quan như thế nào? Đại biểu đề nghị, luật cần quy định trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tổ chức trong quản lý Nhà nước, thẩm định, cấp phép, nghiệm thu, kiểm tra, trên cơ sở gắn trách nhiệm, phân tích trách nhiệm thật rõ ràng, cụ thể, để có biện pháp xử lý nghiêm khắc.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong ghi nhận, lực lượng chức năng cùng với các ngành, các cấp và người dân rất nỗ lực, chủ động phòng cháy, chữa cháy. Thế nhưng, thực tế vẫn có nhiều vụ cháy dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đại biểu cho rằng, việc nâng cao nhận thức của người dân trong công tác này là giải pháp cần thiết, hiệu quả nhất; phòng cháy là nội dung cơ bản cần được luật chú trọng.
Về chữa cháy, có những địa phương, thành phố lớn nhiều ngõ, ngách, phương tiện, lực lượng chức năng rất khó tiếp cận, nên quá trình chữa cháy tại chỗ là cơ bản. Ở tầm vĩ mô, cần có chiến lược về nhà ở, nhất là ở đô thị, vận động người dân đảm bảo điều kiện về phòng cháy, chữa cháy.
Nhiều năm gắn bó với ngành tư pháp, ĐBQH Phan Huỳnh Sơn đóng góp cho Luật Công chứng (sửa đổi), liên quan việc bổ nhiệm công chứng viên, cơ sở đào tạo công chứng viên. Về độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên, đại biểu đề nghị: “Tuổi thọ người Việt Nam ngày càng cao, người trên 70 tuổi còn minh mẫn, có sức khỏe, hoàn toàn thực hiện tốt nhiệm vụ công chứng viên.
Để được giữ vai trò công chứng viên, mỗi cá nhân phải trải qua thời gian dài đào tạo, vì vậy đề nghị nghiên cứu xem xét không giới hạn độ tuổi của công chứng viên, chỉ quy định trong hồ sơ đảm bảo về sức khỏe. Về thời hạn đào tạo nghề 6 tháng đối với đối tượng có từ 5 năm trở lên là thẩm phán, kiểm sát viên… là quá dài, có thể quy định rút ngắn còn 3 tháng”.
Về thời gian tập sự 12 tháng đối với người có đủ 5 năm làm thẩm phán, kiểm sát viên, đại biểu đề nghị miễn. Về cơ sở đào tạo, trong luật chỉ quy định Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) là nơi duy nhất đào tạo công chứng viên, như vậy là lãng phí nguồn lực rất lớn, gây bất tiện cho người tham gia đào tạo. Trong khi đó, hệ thống đào tạo đại học luật được Bộ Tư pháp thỏa thuận đồng ý, đủ điều kiện đào tạo công chứng viên, chỉ cần thống nhất về chương trình giảng dạy.
GIA KHÁNH