Tích cực đóng góp vì cộng đồng

03/03/2020 - 06:50

 - Người thì bỏ ngày công lao động, người thì tích góp thu nhập, cùng nhau góp sức vì cộng đồng. Từ cất nhà, xây cầu, làm đường, giúp đỡ người khó khăn, bệnh tật... chẳng ai nề hà việc gì. Họ là những người nông dân, người dân bình thường, có khi cuộc sống chẳng dư dả gì nhưng rất sẵn lòng với công tác thiện nguyện, chung tay đóng góp cho xã hội.

Trước tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, những ngày qua, nhóm thợ may của bà Đoàn Thị Lư (Sáu Lư) phục vụ Ban khánh tiết của An Hòa tự (thị trấn Phú Mỹ, Phú Tân, An Giang) đã tự nguyện may hàng ngàn chiếc khẩu trang vải để tặng miễn phí trong cộng đồng. Khẩu trang vải được may theo mẫu trên thị trường, có 2 lớp đảm bảo che chắn, được giặt sạch trước khi tặng cho người dân.

Bà Sáu Lư cho biết, trước mắt sẽ hoàn thiện khoảng 2.000-3.000 chiếc khẩu trang vải, số lượng có thể tăng nhiều hơn cho đến khi qua giai đoạn khan hiếm khẩu trang trong cộng đồng.

“Thấy tình hình dịch bệnh bùng phát mà khẩu trang lại khan hiếm, bà con “rủ nhau” may khẩu trang vải phát cho mọi người để sử dụng. Khi biết việc làm này, nhiều nhà hảo tâm đến tặng vải; nhiều người thợ may từ các xã, thị trấn lân cận cũng đến đây may, đóng góp công sức vì cộng đồng. Mỗi ngày chúng tôi hoàn thiện hơn 150 cái khẩu trang” - bà Sáu Lư thông tin.

Hiện nay, ngoài tổ của bà Sáu Lư, nhiều thành viên còn nhận vải về nhà, tranh thủ may vào những lúc rảnh rỗi. Số khẩu trang sau khi hoàn thành sẽ được phát tặng miễn phí cho người dân, các tổ từ thiện, nhà thuốc… Trong lúc dịch bệnh đang hoành hành như hiện nay thì việc may khẩu trang phát miễn phí cho người dân là việc làm hết sức ý nghĩa.

Lấy việc giúp đỡ mọi người làm niềm vui cuộc sống

Là nông dân gắn với ruộng đồng từ thời trai trẻ đến nay cũng qua tuổi 60, ông Võ Văn Chỏm (xã Hội An, Chợ Mới) vẫn luôn miệt mài lao động. Con cái đã yên bề gia thất, có cuộc sống ổn định, ông Chỏm có thêm thời gian để đóng góp công sức của mình cho xã hội.

Trước đây, thấy nhiều bà con ở địa phương gặp khó khăn về nhà ở, ông Chỏm cùng bạn bè ngồi lại và bàn nhau về cách thức để giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Lên kế hoạch hẳn hoi, kinh phí đóng góp tùy theo mỗi người, ai có nhiều đóng góp nhiều, ai có ít đóng góp ít để mua cây về dựng khung nhà cho bà con.

Chưa hết, thấy ấp nào mà đường sá chưa thông thương, các cây cầu còn tạm bợ khó đi, ông Chỏm kết hợp chính quyền địa phương đi vận động nhiều nơi nhằm xây dựng những đoạn đường hoàn chỉnh, cây cầu vững chãi.

“Thông thường mình vận động bà con hiến đất rồi đóng góp kinh phí để làm đường, còn hộ nào nghèo hay khó khăn thì anh em trong ban vận động sẽ xuất tiền túi đóng góp cho bà con, chứ gạo mình còn cho người ta mỗi tháng thì tiền đâu mà họ góp”- ông Chỏm thiệt tình chia sẻ.

Có ít làm ít, có nhiều làm nhiều, nhờ vậy mà nhiều tuyến đường ở các ấp: An Thới, An Thái... đã được đổ đal, với kinh phí hàng tỷ đồng, qua đó giúp việc đi lại, mua bán của người dân ngày càng thông thương, thuận lợi hơn trước rất nhiều. Vừa có tấm lòng, cùng với những việc làm hướng về công đồng, nên ông Chỏm rất được bà con tin tưởng, ủng hộ.

Bởi vậy, khi có thông tin về việc xây cầu là nhiều người sẽ tham gia đóng góp công sức, tiền của, vật chất để các công trình nhanh chóng hoàn thiện. Có người “dư” ra đám cây là ủng hộ liền cho ông Chỏm để cất nhà cho những hộ gặp hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

“Cây sau khi đốn tôi sẽ kéo về để sẵn ở đó, có thời gian rảnh là tôi với mấy anh em trong xóm cùng nhau cưa, bào và làm sẵn khung nhà. Xong để đó, hễ bà con nào cần là mình có ngay giúp đỡ. Chỉ có “an cư” mới “lạc nghiệp” được, mình giúp sớm chừng nào thì bà con sẽ an tâm đi làm ăn rồi mau thoát khỏi cái khó, cái nghèo chừng đó” - ông Chỏm chia sẻ.

Trên diện tích đất của ông La Tráng Kiện (nông dân xã Vĩnh Thành, Châu Thành) đều đặn canh tác lúa 3 vụ. Giá lúa bấp bênh, không đem lại lợi nhuận dù canh tác hết năm này qua năm khác. Gần đây, ông Kiện chuyển đổi sang trồng đậu nành rau, trực tiếp ký hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) với giá cố định ngay từ đầu vụ.

Bằng việc mạnh dạn chuyển đổi sản xuất đi kèm với thành công trong việc áp dụng các mô hình sản xuất đã giúp gia đình ông Kiện có thu nhập hàng năm bình quân trên 1 tỷ đồng. Từ nguồn thu nhập ổn định, ông Kiện đã trích hàng chục triệu đồng từ nguồn thu nhập để làm công tác từ thiện - xã hội ở địa phương.

“Mỗi năm, tôi đều góp tiền cho quỹ xe chuyển bệnh miễn phí, rải cát, vá lộ giao thông, hỗ trợ gạo cho hộ nghèo, cận nghèo, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con nông dân ở trong và ngoài địa phương...” - ông Kiện chia sẻ.

Mỗi người mỗi việc, nhưng với tấm lòng của mình, nhiều người đã tạm gác lại việc nhà, thu xếp các công việc để có thời gian giúp đỡ mọi người, chung tay vì cộng đồng vì một tương lai tươi đẹp.

ÁNH NGUYÊN