Tiềm năng xuất khẩu thị trường Hồi giáo

17/08/2022 - 02:39

 - Thị trường Hồi giáo có nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung, trong đó có An Giang. Tuy nhiên, để gia nhập thị trường này, sản phẩm cần phải được cấp chứng nhận Halal. Với nhiều quy định ràng buộc, chứng nhận Halal là một trong những “rào cản” lớn nhất để DN thâm nhập vào thị trường này.

An Giang có nhiều tiềm năng trong việc tiếp cận thị trường Halal

Thị trường tiềm năng

Người Hồi giáo hiện chiếm khoảng 1/4 dân số thế giới, dự kiến chiếm 30% dân số thế giới vào năm 2024 và đạt 2,2 tỷ người năm 2030. Trong bối cảnh giao thương quốc tế phát triển nhanh chóng, thị trường Hồi giáo ngày càng được chú trọng và được xác định tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, để hàng hóa thâm nhập vào thị trường này, các DN cần quan tâm đến chứng nhận Halal - một trong những tiêu chuẩn bắt buộc để DN có thể tiếp cận thị trường này.

Chứng nhận Halal là một nhóm các tiêu chuẩn Halal (được phép) và Haram (không được phép, cấm), dùng để chỉ chuẩn mực và giá trị của người Hồi giáo theo kinh Qur’an và Luật Sharia (Luật Hồi giáo). Trước đây, chứng nhận Halal áp dụng cho thịt gia súc, gia cầm - những loại thực phẩm mà theo kinh Qur’an, người Hồi giáo được và không được ăn. Ngày nay, chứng nhận Halal đã mở rộng ra tất cả các loại thực phẩm, như: Sữa, bánh, kẹo, đồ ăn sẵn, thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch, khách sạn... Đáng chú ý, có những sản phẩm trước đây không phải tuân theo tiêu chuẩn chứng nhận Halal, nhưng gần đây buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn này.

Hiện nay, có 3 chương trình chứng nhận Halal, thời gian hiệu lực khác nhau từ 1-3 năm áp dụng; tùy chương trình, từng loại sản phẩm và thị trường khác nhau, tiêu chuẩn chất lượng cũng khác nhau… Trong đó, chứng nhận Halal JAKIM có thời hạn chứng nhận 1 năm; các loại sản phẩm được đăng ký là thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, bao bì... phạm vi xuất khẩu là tất cả các nước, ngoại trừ Indonesia và Khối GCC (Hội đồng Hợp tác các nước Ả Rập Vùng Vịnh, gồm các nước: UAE, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia, Bahrain, Yemen); tiêu chuẩn áp dụng là Malaysia Standards: MS1500:2019...

Chứng nhận Halal MUI có thời hạn 1 năm; loại sản phẩm đăng ký là nguyên liệu, bán thành phẩm và hương liệu; phạm vi xuất khẩu là tất cả các nước, ngoại trừ Malaysia và Khối GCC; tiêu chuẩn áp dụng là HAS 2300:1. Chứng nhận Halal GCC có thời hạn 3 năm; loại sản phẩm đăng ký là thực phẩm; phạm vi xuất khẩu chỉ có giá trị tại GCC; tiêu chuẩn áp dụng là GSO 2055-1:2015.

Cơ hội cho doanh nghiệp

Do có lợi thế về vị trí địa lý, khoảng 62% dân số Hồi giáo tập trung tại Châu Á, Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP, thành viên chủ yếu là các nước Châu Á) nên các DN Việt Nam nói chung và An Giang nói riêng có nhiều cơ hội tiếp cận chứng nhận Halal. Mặt khác, An Giang cũng là địa phương có nguồn nguyên liệu dồi dào, như: Gạo, thủy sản, rau củ quả có nhiều tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal toàn cầu.

Theo Sở Công Thương An Giang, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - thủy sản của tỉnh vào thị trường Halal trong năm 2021 đạt 74 triệu USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông - thủy sản vào thị trường này đạt 64 triệu USD, tăng 11% so cùng kỳ. Trong đó, mặt hàng gạo đạt 33 triệu USD (tăng 13% so với cùng kỳ), thủy sản đạt 31 triệu USD (tăng 8,9% so với cùng kỳ). Thị trường xuất khẩu hàng hóa của tỉnh sang các quốc gia theo đạo Hồi, gồm: Indonesia, Malaysia, Saudi Arabia, UAE, Qatar, Uzbekistan, Ai Cập... Các mặt hàng chủ lực của tỉnh, như: Gạo, cá, rau quả đông lạnh… đều đã tiếp cận thị trường khó tính này.

Theo Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 12/21 DN xuất khẩu gạo, 10/21 DN xuất khẩu thủy sản và 1 DN xuất khẩu rau quả có chứng nhận Halal. Với nhiều tiềm năng, thế mạnh, các DN An Giang hoàn toàn có khả năng đưa sản phẩm của mình tiếp cận thị trường Halal. Để hỗ trợ các DN tiếp cận thị trường này, thời gian qua, tỉnh An Giang tích cực quan tâm, đồng hành cùng các bộ, ngành, cơ quan chức năng và DN trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại các sản phẩm hàng hóa của tỉnh để tiếp cận thị trường. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu sản phẩm của tỉnh.

Ngoài ra, Đề án phát triển quan hệ với các nước trong khu vực Trung Đông - Châu Phi giai đoạn 2016-2025 đang được Bộ Ngoại giao triển khai tích cực, trong đó có việc thực hiện các tuyên bố cấp cao của Việt Nam với một số đối tác quan trọng về hợp tác, thúc đẩy xuất, nhập khẩu và chứng nhận các sản phẩm Halal. Đây là cơ sở quan trọng giúp DN tỉnh tiếp cận và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm đã chế biến vào thị trường Halal toàn cầu.

ĐỨC TOÀN