Tiêm vaccine phòng COVID-19, vì lợi ích cá nhân và cộng đồng

24/06/2021 - 03:56

 - Ngày 22-6, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện kết luận của Bộ Chính trị tháng 6-2021. Trong đó có nội dung tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới, nhất là lợi ích của việc tiêm vaccine, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 sau khi được phân bổ, không để quá hạn, lãng phí.

Ngày 20-5 và 24-5, Bộ Y tế, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh có văn bản phân bổ 27.250 liều vaccine phòng COVID-19 cho tỉnh An Giang. Để kịp thời tiếp nhận và sử dụng, ngày 18-6, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 2.

Theo kế hoạch, thời gian tiêm đợt 2 được thực hiện trong tháng 6-2021 cho các đối tượng ưu tiên theo quy định. Cụ thể, thứ tự thực hiện theo 4 nhóm đối tượng. Thứ nhất, đối tượng thuộc nhóm a theo Nghị quyết số 21/NQ-CP, là nhân viên y tế trong tỉnh, lực lượng phòng, chống dịch bệnh trong tỉnh, dự kiến 11.000 liều. Thứ hai, các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao, như: công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các trung tâm hành chính công các cấp (bộ phận "một cửa" của các đơn vị); giáo viên tham gia nhiệm vụ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Thứ ba, đối tượng làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu, như: siêu thị (ưu tiên các siêu thị lớn trong tỉnh), vận tải hàng hóa thiết yếu, du lịch… Thứ tư, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, do Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Công thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế lựa chọn đối tượng có nguy cơ cao để tiêm trong đợt này.

Theo quy định, các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng, gồm: người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn cảm với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vaccine. Chống chỉ định đối với người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào; có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất. Các đối tượng sẽ được khám sàng lọc trước tiêm chủng, bao gồm: hỏi tiền sử bệnh, đánh giá lâm sàng để phát hiện các bất thường về dấu hiệu sống, quan sát toàn trạng. Sau khi có kết luận khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng ngay cho những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng; trì hoãn tiêm chủng cho những trường hợp có ít nhất một yếu tố phải trì hoãn tiêm chủng; chuyển tiêm và theo dõi tại bệnh viện cho những trường hợp có yếu tố thận trọng tiêm chủng, phát hiện sau khi thăm khám.

Hiện nay, một số người dân có tâm lý e ngại, lo lắng khi tiêm vaccine phòng dịch COVID-19, vì sợ các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra với cơ thể, đặc biệt là khi xuất hiện ca tử vong sau tiêm, người đã tiêm ngừa vẫn mắc COVID-19. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vaccine không đem lại sự bảo vệ tức thì. Cụ thể, sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở lên thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này chỉ đạt ở mức khoảng 60-90%, tùy theo loại vaccine. Các chuyên gia nhấn mạnh, vaccine phòng COVID-19 không bảo vệ tuyệt đối. Khi đã tiêm vaccine, người tiêm có thể không mắc COVID-19 nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác.

Lợi ích lớn nhất của việc tiêm vaccine là bảo vệ người được tiêm khỏi rơi vào thể nặng và phải nhập viện. Cho đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa có trường hợp tiêm đủ 2 mũi nào bị bệnh nặng hay tử vong. Trên cơ sở các nghiên cứu, đánh giá hiện nay về hiệu quả, tính an toàn của vaccine phòng COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, tiêm chủng là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch bệnh. Để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là với sự xuất hiện và lây nhiễm mạnh của các biến chủng virus SARS-CoV-2, độ bao phủ hiệu quả của vaccine phải đạt tới 75% dân số thế giới.

Vaccine phòng COVID-19 là cơ hội để giảm chi tiêu của Chính phủ trong việc truy vết, điều trị và kiểm soát dịch bệnh. Tốc độ phục hồi nền kinh tế sẽ phụ thuộc và có mối quan hệ chặt chẽ với tiến độ triển khai vaccine. Tỷ lệ tiêm chủng trong dân số càng tăng thì nền kinh tế càng sớm trở lại trạng thái bình thường. Trong bối cảnh hiện nay, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 là giải pháp căn cơ, chìa khóa quan trọng để khống chế dịch bệnh, là “vũ khí” quan trọng nhất để thực hiện việc chuyển phòng, chống dịch bệnh từ “phòng ngự” sang “tấn công”. Phòng bệnh luôn tiết kiệm, hiệu quả hơn chữa bệnh.

Để đảm bảo tiêm chủng an toàn, người được tiêm chủng phải được theo dõi ít nhất 30 phút sau tiêm; theo dõi tại nhà trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong ít nhất 3 tuần sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn ngủ, nhịp thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm… Thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường. Liên hệ với bệnh viện hoặc cơ sở y tế nếu sau tiêm chủng có một trong các dấu hiệu, như: sốt cao (từ 39oC trở lên), tím tái, khó thở… hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng. Người được tiêm vaccine cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh khác, đặc biệt thông điệp “5K” theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Trước đó, An Giang đã triển khai tiêm đợt 1 cho 20.884 người. Trong đợt 2, đến hết ngày 21-6, toàn tỉnh đã triển khai tiêm cho 27.539 người; trong đó 438 người không đồng ý tiêm; 4.029 người hoãn tiêm; 787 người vắng mặt tại thời điểm tiêm; 37 người chống chỉ định; 22.290 người tiêm được; có 267 người phản ứng thông thường sau tiêm.

 

GIA KHÁNH