Hội thi là dịp để các thí sinh thỏa mãn niềm đam mê đờn ca tài tử
Trong những ngày này, người dân huyện Tịnh Biên hướng đến kỷ niệm 29 năm ngày truyền thống huyện Tịnh Biên anh hùng (29-11-1990_ 29-11-2019), bên cạnh những hoạt động thể thao đang diễn ra hào hứng, UBND huyện Tịnh Biên quan tâm đến các sân chơi văn hóa - văn nghệ, trong đó Hội thi ca cổ trên sóng phát thanh huyện Tịnh Biên là sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương. Đây là năm thứ 3 hội thi được tổ chức với mục đích bảo tồn, phát huy loại hình ca cổ cải lương, khơi dậy phong trào ca hát trong quần chúng nhân dân.
Theo đó, các thí sinh sẽ trải qua 3 vòng thi sơ khảo, chung kết và chung kết xếp hạng. Các thí sinh dự thi sẽ trình bày 1 trong 20 bài bản Tổ của đờn ca tài tử Nam Bộ và 2 câu vọng cổ tự chọn có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Bác Tôn; ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ca ngợi tình yêu đôi lứa, ca ngợi truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước, phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh và huyện Tịnh Biên anh hùng.
Do đã trải qua 2 lần thi, nên chất lượng thí sinh năm nay hứa hẹn sẽ được nâng cao bởi sự tích lũy kinh nghiệm ca, diễn cũng như “độ chín” trong làn hơi qua sự trau chuốt, tập luyện thường xuyên. Năm nay, hội thi thu hút 37 thí sinh đến từ các địa phương như: Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, Phú Tân, TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc đến tham dự, cho thấy sức sống trường tồn của loại hình nghệ thuật dân tộc này. Đến với hội thi, khán giả sẽ thấy được sự say mê của các thí sinh khi đứng trên sân khấu trình diễn những bài ca vọng cổ, những lớp bản vắn vốn đã kết tinh từ tinh hoa nghệ thuật của đất phương Nam. Từng câu, từng chữ, từng làn điệu được trau chuốt, nhấn nhá sao cho mùi mẫn và hào sảng, diễn tả được cái tình của bài hát, lan tỏa thông điệp tác giả gửi tới người nghe.
Là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong công tác tổ chức hội thi, Đài Truyền thanh phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Tịnh Biên đã hoàn thiện tất cả các khâu, đảm bảo cho thí sinh có điều kiện dự thi tốt nhất. Ngoài việc đến trực tiếp tại sân khấu tại chợ Nhà Bàng để theo dõi, người dân địa phương còn có thể lắng nghe giọng hát của các thí sinh qua hệ thống sóng phát thanh của địa phương đúng với tên gọi của hội thi. Qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong đời sống người dân huyện Tịnh Biên, nơi có phong trào đờn ca tài tử phát triển mạnh thời gian qua.
Qua hội thi, những giọng ca tài tử phong trào có dịp thể hiện niềm đam mê ca hát của mình. Nhiều thí sinh đã nâng cao được kỹ năng biểu diễn cũng như nghệ thuật đưa hơi, nhấn chữ, giúp tiếng ca trở nên ngọt ngào, truyền cảm hơn, chạm tới cảm xúc người nghe và đặc biệt là rèn luyện kỹ năng “bỏ nhịp”, một yếu tố được cho là khó trong loại hình ca cổ cải lương. Do đó, có thể nói Hội thi ca cổ trên sóng phát thanh huyện Tịnh Biên là sân chơi mang đến những giá trị tích cực cho phong trào đờn ca tài tử địa phương, giúp người dân yêu mến hơn đối với loại hình nghệ thuật dân tộc vốn rất gần gũi với đời sống cộng đồng.
Qua các lần tổ chức trước đây, ban tổ chức hội thi ca cổ trên sóng phát thanh huyện Tịnh Biên đang tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng tổ chức nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn nữa. Đồng thời, góp phần tìm kiếm, nâng tầm các giọng ca tài tử từ các địa phương trong tỉnh, đưa loại hình nghệ thuật truyền thống này đến gần hơn với thế hệ trẻ trong bối cảnh nhu cầu thưởng thức của khán - thính giả ngày càng đa dạng hơn vào thời đại công nghệ số.
THANH TIẾN