Cuốn sách “Babel: Vòng quanh thế giới qua 20 ngôn ngữ” là công trình của tác giả Gaston Dorren, một nhà ngôn ngữ học người Hà Lan. (Ảnh: Nhã Nam)
Cuốn sách “Babel: Vòng quanh thế giới qua 20 ngôn ngữ” do Nhã Nam phát hành là công trình của tác giả Gaston Dorren, một nhà ngôn ngữ học người Hà Lan.
Ông đã dành rất nhiều tâm huyết và nỗ lực tìm hiểu các nền ngôn ngữ khác nhau. Sau cùng, ông chọn viết về 20 “người khổng lồ” trong số 6.000 ngôn ngữ của thế giới.
Trong chương đầu tiên của cuốn sách, nhà ngôn ngữ học Gaston Dorren viết về tiếng Việt, ngôn ngữ của hơn 95 triệu người.
Ông đã cố gắng học tiếng Việt trong khoảng hơn một năm và phải thừa nhận rằng đây là thứ ngôn ngữ đầy thử thách.
“Tiếng Việt có 6 dấu thanh, mỗi thanh khác nhau sẽ làm thay đổi hoàn toàn nghĩa của từ, ngoài ra còn có 9 dấu phụ và nhiều đại từ thể hiện giới tính và mức độ tôn trọng của người nói,” Gaston Dorren cho biết.
Theo ông, “văn bản tiếng Việt bao gồm những tập hợp từ 1 đến 6 chữ cái rất đặc biệt và bất quy tắc, chúng ta chỉ có thể hiểu và ghi nhớ bằng cách học thuộc lòng.”
Nhà ngôn ngữ học Gaston Dorren. (Ảnh: NVCC)
Trong chương đầu tiên, tác giả viết: "Không một ngôn ngữ nào khác mà tôi biết lại có nhiều dấu phụ đến vậy. Khi còn là một cậu bé, tôi đã từng cảm thấy tờ tạp chí “Paris Match” của bố tôi kỳ lạ, bởi rất nhiều những ký tự é, à và vô vàn những dấu lược, nhưng so với tiếng Việt, tiếng Pháp trông vẫn còn đơn sơ và mộc hơn. Với không dưới 9 dấu phụ khác nhau (á, à, ả, ã, ạ, â, ă, đ, ô và ơ, tôi thích cách gọi không chính thống ‘o có râu’ mà người ta dùng cho ký tự này), tiếng Việt là ngôn ngữ dành cho những người có đôi mắt tinh nhạy. Những dấu phụ này là thiết yếu để đảm bảo việc phát âm chính xác, nhưng chúng cũng bổ sung một phần đáng kể vào gánh nặng ghi nhớ. Chia động từ, thử thách của đa số ngôn ngữ ở châu Âu ư? Không đáng là gì so với tiếng Việt..."
Cuốn sách được xuất bản lần đầu bằng tiếng Anh năm 2018. Tờ báo "The Guardian" đã nhận xét cuốn sách “đưa ra những chỉ dẫn thú vị về ngôn ngữ và tôn vinh sự đa dạng của các ngôn ngữ.”
Theo sách "Sáng Thế Ký" (cuốn đầu tiên của Kinh Thánh Cựu ước), thuở ban đầu, khi còn nói chung một ngôn ngữ, con người đã cùng nhau xây dựng tháp Babel với mong muốn chạm đến thiên đường. Thấy tháp Babel ngày một cao, Thiên Chúa đã ngăn chặn việc đó bằng cách tạo ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, gây ra sự bất đồng về ngôn ngữ, khiến con người không thể hợp tác với nhau dễ dàng như trước nữa. Tháp Babel trở thành ngọn tháp đại diện cho sự đa dạng của ngôn ngữ loài người.
Đếm xem có bao nhiêu ngôn ngữ trên thế giới này là một việc vô cùng khó khăn. Ông chỉ ra rằng 6.000 là một con số thường được người ta đưa ra khi ước tính số lượng ngôn ngữ nói và viết trên thế giới ngày nay, trung bình cứ 1,25 triệu người lại có một ngôn ngữ.
“Một sự đa dạng đáng kinh ngạc, chúng ta đang sống trong một tòa tháp Babel đồ sộ làm sao! Hơn 6.000 ngôn ngữ hiện có của thế giới chính là 6.000 vũ trụ tinh thần khác nhau chứa đựng thế giới quan của các nền văn hóa,” ông viết.
Khác với một cuốn sách học thuật khô khan, “Babel: Vòng quanh thế giới qua hai mươi ngôn ngữ” rất dễ tiếp nhận, ngay cả với những người đọc không có nền tảng dày dặn về ngôn ngữ học. Đây là một cuốn sách vừa vui nhộn vừa mang tính giáo dục.
Mỗi chương bắt đầu với một hồ sơ ngắn về ngôn ngữ được bàn đến: Các tên gọi khác nhau, ngữ hệ, số lượng người sử dụng, một số điểm cơ bản về ngữ pháp, phát âm và hệ thống chữ viết cũng như thông tin về từ mượn. Tất nhiên những con số ấy vẫn chưa có căn cứ chắc chắn, vì các số liệu thống kê về ngôn ngữ rất thất thường. Tác giả cho biết, ông đã tham khảo nhiều nguồn, tổng hợp các thống kê và lấy con số trung bình cho dễ hiểu, dễ nhớ.
Một phiên bản của cuốn sách bằng tiếng Ba Lan. (Ảnh: monitorkulturalny.pl)
Thông qua cuốn sách, tác giả cũng bày tỏ lo lắng về việc nhiều ngôn ngữ đang bị mất đi, kéo theo sự mất mát về di sản và truyền thống của các dân tộc. Từ thống kê sơ bộ, có thể khẳng định rằng ít nhất 75% những người sống trên hành tinh này có thể giao tiếp bằng một trong hai mươi ngôn ngữ được mô tả trong sách. Sự phổ biến của các nền ngôn ngữ lớn đang gây ra sự suy vi của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ngôn ngữ nhỏ hơn. Đây là một bi kịch, khi mà trên mọi châu lục, ngôn ngữ bản địa không còn được sử dụng nữa, đồng nghĩa với sự xóa sổ những tri thức quý giá được mã hóa trong ngôn từ.
Gaston Dorren là nhà ngôn ngữ học và là một người đa ngữ thật sự với khả năng nói được tiếng Hà Lan, tiếng Limburg, tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha, đồng thời đọc được tiếng Pháp, tiếng Afrikaans, tiếng Frisian, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ý, tiếng Catalan, tiếng Đan Mạch, tiếng Na Uy, tiếng Thụy Điển, tiếng Luxembourg và tiếng Esperanto.
Ông thường xuyên viết bài cho tạp chí ngôn ngữ học nổi tiếng “Onze Taal,” và biên tập cho trang blog “Language Writer”.
Theo MINH THU (Vietnam+)