Lớp học tiếng Việt ở Ekaterinburg (Nga). Ảnh: DƯƠNG TRÍ/Vietnam+
Đối với người Việt Nam sống ở nước ngoài, tiếng Việt không chỉ để xác định danh tính dân tộc, mà ngôn ngữ đó còn thể hiện một bản sắc văn hóa mà càng xa quê hương càng thấy có ý nghĩa vô cùng. Nói một cách hình ảnh thì với người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt như sợi “dây rốn” nối liền để không tách rời những người con xa xứ với quê cha, đất tổ. Theo tôi, với hơn 5 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiếng Việt là một tài sản tinh thần giúp khẳng định cội nguồn, là một yếu tố khiến mỗi người luôn có thể tự hào.
Chẳng hạn tại Mỹ, kể từ sau năm 1975, do còn hạn chế về tiếng Anh, đồng thời gặp khó khăn trong cuộc mưu sinh để ổn định, lại sống quần cư gần nhau, nên trong quan hệ giao tiếp của thế hệ thứ nhất người Việt sang định cư, việc sử dụng tiếng Việt dễ dàng hơn. 46 năm trôi qua, đã hình thành nên một cộng đồng người Việt Nam rất phong phú, đa diện, đa dạng về màu sắc văn hóa sắc tộc. Trong bối cảnh hội nhập vào cuộc sống mới đầy khó khăn, việc sử dụng tiếng Anh bản xứ pha lẫn với tiếng Việt trở thành một hiện tượng khá phổ biến trong cộng đồng. Thí dụ, người Việt thế hệ đầu không có điều kiện học lên đại học, nên thường sử dụng “tiếng Anh bồi” hoặc tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (English as second language); còn giới trẻ thì có kiểu nói Vietlish (pha trộn tiếng Anh lẫn tiếng Việt).
Ðể phục vụ cộng đồng, một số cơ quan truyền thông báo chí, xuất bản, ấn loát trong cộng đồng người Việt ở Mỹ đã ra đời rất sớm. Dù đây là các cơ sở tư nhân, hoạt động ngôn ngữ bằng tiếng Việt, phục vụ nhu cầu cộng đồng người Việt, nhưng đã góp phần thiết thực để lan tỏa, kết nối tiếng Việt trong cộng đồng đa sắc dân, giúp dòng chảy tiếng Việt tiếp tục được nuôi dưỡng trong giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày. Ðến quận Cam (Orange County, Cưalifornia) nhiều người ngạc nhiên khi thấy hàng trăm địa chỉ truyền thông, từ nhật báo, tuần báo, nguyệt san, đến đài phát thanh, kênh truyền hình bằng tiếng Việt hoạt động sôi nổi nhiều năm qua. Ðối tượng chính của các địa chỉ này là người Việt, nguồn tin là từ nước Mỹ, thế giới và phần lớn là từ Việt Nam. Một số tác giả, nhà văn, nhà thơ của cộng đồng có tác phẩm in bằng tiếng Việt hoặc song ngữ đã được trao một số giải thưởng. Qua đó ít nhiều ảnh hưởng tới đời sống của cộng đồng gốc Việt. Ðặc biệt, nhiều trung tâm Việt ngữ đã được khai trương để giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ và có cả người bản xứ theo học. Nhiều cuộc thi đọc, viết tiếng Việt, được tổ chức tại nơi đông đảo người Việt cư ngụ như Little Saigon (Nam California), San Jose (Bắc California), Houston (Texas)… và thường vào các dịp lễ, Tết, hội, như Nguyên đán, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch).
Bên cạnh đó là việc xuất bản sách của người Việt, về người Việt. Tiêu biểu có thể kể đến bộ sách “Vẻ vang dân Việt” của nhà báo Trọng Minh ở Nam California được nhiều người tán thưởng. Ông đã tận tụy, công phu sưu tập, viết về một số người Mỹ gốc Việt tiêu biểu trong mọi lĩnh vực, vượt khó để đi đến thành công nơi xứ người, làm vẻ vang cho cộng đồng. Bộ sách nhiều tập của Trọng Minh đã được dịch ra tiếng Anh để phổ biến rộng rãi đến cộng đồng quốc tế. Hoặc trường hợp nhà văn Nguyễn Thanh Việt, Phó Giáo sư tại Ðại học Nam California, anh đã đoạt giải Pulitzer năm 2016 với tác phẩm viết bằng tiếng Anh Sympathizer (tạm dịch: Cảm tình viên). Sau đó, anh cũng là người Mỹ gốc Á duy nhất đã được chọn vào Hội đồng chấm giải Pulitzer danh giá của nước Mỹ năm 2020. Hay trường hợp nhà giáo dục Quyên Di Chúc Bùi, người có công đưa chương trình “Việt Nam học” vào giảng dạy tại các trường đại học ở Mỹ như UCLA (Ðại học California Los Angeles), Ðại học UCLB (University of California State of Long Beach), các lớp Việt Nam học dành cho sinh viên gốc Việt, sinh viên ngoại quốc muốn tìm hiểu văn hóa Việt qua tục ngữ, ca dao, văn chương Việt Nam. Giáo sư Quyên Di Chúc Bùi đã đưa nhiều đoàn sinh viên gốc Việt và nước ngoài về Việt Nam vào dịp hè để thực tập các khóa học ngoại khóa.
Một trong những chương trình tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức. Ảnh: BNG
Ðiểm qua một số nét phác họa về bức tranh tiếng Việt ở ngoài nước để thấy dù sống trên các quốc gia, lãnh thổ nào, dù có hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng mọi người gốc Việt vẫn luôn cố gắng sử dụng và duy trì tiếng Việt một cách thông minh, sáng tạo nhằm gắn liền tình cảm của bản thân với quê hương, đất nước. Trong quá trình làm việc, tôi đã được tiếp xúc, được nghe tâm sự của rất nhiều người gốc Việt trở về từ Mỹ, Canada, Australia, Pháp, Ba Lan, Séc, Nga… Khi nói về việc duy trì tiếng Việt ở nước sở tại, ai nấy đều hào hứng và nhiệt tình. Mẫu số chung của người Việt xa xứ chính là giữ được hồn cốt tiếng Việt, qua đó, truyền dạy cho thế hệ trẻ niềm tin, tự hào về bản sắc, truyền thống dân tộc. Tôi cũng được nghe nhiều câu chuyện về các khó khăn, nỗi trăn trở trong việc giữ gìn tiếng Việt của thế hệ đi trước đối với thế hệ lớp sau. Ở những nơi người gốc Việt sống quần cư thì có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, trau dồi vốn tiếng Việt. Còn đối với bà con ở các vùng xa, ít người Việt sinh sống, thì việc được nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt lại khó khăn hơn rất nhiều. Vì thế có thể nói việc Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đề xuất tổ chức Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã đáp ứng trúng nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của trên 5 triệu bà con sống xa quê hương. Nếu tổ chức thường xuyên, với những hình thức hấp dẫn, lôi cuốn, Ngày tôn vinh tiếng Việt sẽ trở thành dấu mốc đáng nhớ trong sinh hoạt hằng năm của cộng đồng gốc Việt, trở thành sự kiện quan trọng có ý nghĩa riêng, góp phần cùng các ngày lễ truyền thống đã có, giúp kết nối những người con sống xa Tổ quốc.
Hiện nay, Ngày tôn vinh tiếng Việt dự kiến tổ chức vào ngày 8/9 hằng năm. Theo thiển ý của tôi, xác định một ngày nhất định như vậy sẽ rất dễ rơi vào ngày làm việc trong tuần, bận rộn với cuộc mưu sinh mà mọi người khó có thể thu xếp đến dự, vì thế nên chọn một ngày hợp nhất nên rơi vào cuối tuần. Thí dụ thời gian phù hợp nhất là dịp cuối tuần, như thứ bảy đầu tiên của tuần đầu tiên tháng 9 hằng năm chẳng hạn. Vì ở nước ngoài chủ nhật thường dành để nghỉ ngơi trước khi bắt đầu một tuần lao động mới. Chọn ngày theo cách đó sẽ giúp bà con của chúng ta dễ nhớ, có thời gian chuẩn bị tham dự lễ hội đặc biệt này. Tương tự như Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) ở Mỹ đã chọn thứ năm tuần thứ 3 tháng 11. Cũng theo thiển ý của tôi, để Ngày tôn vinh tiếng Việt hằng năm trở thành một hoạt động thực sự có ý nghĩa, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cần chủ động liên hệ cộng đồng gốc Việt ở nước sở tại để phối hợp tổ chức, không biến thành một ngày được ghi nhận trên lịch, mà tổ chức như một ngày lễ hội vừa vinh danh tiếng Việt bằng giá trị tinh thần, vừa thể hiện bằng những hình thức hội hè, vui chơi với các hoạt động như triển lãm, giao lưu, biểu diễn văn nghệ... Sự kiện này, nếu được tổ chức đồng loạt tại nơi có người Việt sinh sống, làm việc trên khắp các châu lục sẽ là dịp để mọi người dân Việt xa xứ được tham gia một ngày hội, một “bữa tiệc” văn hóa tinh thần thông qua tiếng Việt, qua đó giúp cho thế hệ trẻ được học hỏi, kế thừa văn hóa với những hoạt động thiết thực.
Từ kinh nghiệm của bản thân tôi, khi đến nước Mỹ vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, gia đình tôi luôn hướng về quê hương qua những ngày lễ, kỷ niệm có tính chất truyền thống. Cộng đồng Việt rất tích cực tham gia, hưởng ứng các lễ hội như vậy. Ðây cũng là dịp giới thiệu với bạn bè quốc tế những nét văn hóa Việt Nam một cách cụ thể. Ðể thực hiện và triển khai tốt, định hình được Ngày tôn vinh tiếng Việt cần có sự vào cuộc của Ðảng, Chính phủ và Nhà nước thông qua Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Ðào tạo để xây dựng một chương trình quảng bá, tuyên truyền sâu rộng, ưu tiên xác định nhiệm vụ xây dựng và phổ biến về ngôn ngữ, mang thông điệp về tiếng Việt. Trong dịp này, đại diện ngoại giao của Việt Nam cũng cần làm việc với chính quyền sở tại, phối hợp, đưa ra các chương trình cụ thể, giúp đôi bên hiểu nhau hơn. Riêng tại một số địa bàn ở Mỹ, nhiều thành phố như Westminster, Garden Grove, Santa Ana, Fountain Valley,… đã có nhiều dân cử gốc Việt, giữ nhiều chức vụ từ cấp nghị viên thành phố, thị trưởng, đến dân biểu tiểu bang,… nếu Ngày tôn vinh tiếng Việt có sự đồng thuận, hỗ trợ của họ sẽ là cơ hội rất thuận lợi để tiếng Việt chính thức được công nhận vào dòng chính ở các nước sở tại.
Cùng hỗ trợ cho tiếng Việt được phát triển và duy trì ở nước ngoài, trong năm 2021, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã tổ chức tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài. Ðây là khóa học qua hình thức trực tuyến dành cho các học viên đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, giúp trang bị cho giáo sinh những kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy tiếng Việt chính quy, chuyên nghiệp. Các khóa huấn nghiệp sư phạm tiếng Việt này cần được tổ chức thường xuyên hơn, đặc biệt cần vươn tới địa bàn xa hơn, như ở Mỹ chẳng hạn, nơi có hơn 100 trung tâm Việt ngữ nhưng còn thiếu tài liệu giảng dạy. Trong bối cảnh tiếng Việt trong nước có sự phát triển hơn trước, nếu thế hệ trẻ không được tiếp cận với tiếng Việt chính thống và thống nhất, sẽ tiếp thu, sử dụng từ ngữ cũ không còn phổ biến. Mặc dù còn có khó khăn nhất định về địa lý, về nhận thức chính trị, nhưng được sử dụng tiếng Việt luôn là nguyện vọng của mọi người gốc Việt ở nước ngoài. Nếu Ngày tôn vinh tiếng Việt được hiện thực hóa trong sinh hoạt cộng đồng, sẽ là nguồn động viên, cổ vũ người Việt ở nước ngoài, giúp thế hệ trẻ có cơ hội tìm về văn hóa Việt ngay ở nơi họ sinh sống, tạo nên sự nối kết, gắn bó nguồn cội không thể tách rời.
Theo NGUYỄN QUANG TRƯỜNG (Nhân Dân)