Tiếp sức cho phụ nữ Chăm

20/05/2022 - 07:13

 - Với những hoạt động, việc làm thiết thực, mô hình “Phụ nữ Chăm An Giang” (trực thuộc Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh) góp phần chăm lo an sinh xã hội cho hội viên phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số Chăm địa phương. Song song đó, “Phụ nữ Chăm An Giang” đã và đang xây dựng mô hình hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình “Phụ nữ Chăm An Giang” được thành lập cuối năm 2019, thu hút gần 1.000 hội viên tham gia, thuộc 9 thánh đường trên địa bàn 5 xã: Khánh Hòa (huyện Châu Phú); Châu Phong (TX. Tân Châu); Đa Phước, Nhơn Hội, Quốc Thái (huyện An Phú). Chị Sity Hara (Phó Ban Từ thiện - Xã hội Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh) là người sáng lập và chủ nhiệm mô hình. Theo chị, từ trước đến nay, bị ảnh hưởng tập tục xưa, đa phần phụ nữ Chăm chỉ biết việc nội trợ, chăm sóc gia đình, thêu thùa, ít tham gia hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội.

Chị Sity Hara may mắn được đi du học, tiếp cận tư tưởng tiến bộ, quay trở về làm việc tại Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh. Do vậy, chị mong muốn có nơi để phụ nữ trong cộng đồng gặp gỡ, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống, mở mang thêm kiến thức. Đặc biệt, việc tham gia các hoạt động gây quỹ của nhóm, phát biểu ý kiến trong cuộc họp... sẽ giúp chị em tự tin thể hiện khả năng, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng. Chính vì thế, việc thành lập mô hình “Phụ nữ Chăm An Giang” được xem là bước tiến, dấu ấn quan trọng và vô cùng ý nghĩa.

Huy động nguồn lực, chăm lo tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ vốn vay cho hội viên

Các thành viên tham gia trên tinh thần tự nguyện, do tổ trưởng quản lý và đóng quỹ hàng tháng (10.000 đồng/hội viên). Nguồn quỹ huy động được dùng để hỗ trợ gạo hàng tháng cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ tiền cho trường hợp bệnh đột xuất; hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho hội viên phát triển kinh tế... Nguồn quỹ thu được trong năm 2020, 2021 trên 160 triệu đồng. Bên cạnh đó, mọi người huy động nguồn lực xã hội hóa, tự gây quỹ thông qua bán quần áo giá rẻ… trên 64 triệu đồng. Ngoài ra, vận động bà con ủng hộ đồng bào miền Trung gần 70 triệu đồng.

 Trong 4 tháng đầu năm 2022, nguồn quỹ thu từ hội viên trên 22 triệu đồng; chi trên 16 triệu đồng hỗ trợ gạo cho 20 gia đình nghèo ở xã Châu Phong; 21 trường hợp đột xuất (bệnh, tai nạn, lo hậu sự, hộ sản…). “Việc hỗ trợ gạo hàng tháng được duy trì ổn định từ 20-30 hộ gia đình/tháng. Riêng các trường hợp phát sinh thêm luôn được hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Các chị tổ trưởng hoàn thành tốt công việc được phân công, với tinh thần nhiệt tình, hăng hái, luôn nắm thông tin kịp thời ở cơ sở để hỗ trợ hội viên đúng lúc”- chị Sity Hara thông tin.

Với vai trò là chủ nhiệm mô hình, chị Sity Hara trở thành cầu nối của nhà hảo tâm đến với hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn trong cộng đồng. Từ đó, giúp đỡ chị em hội viên thêm tự tin thể hiện mình, cùng nhau thoát nghèo. Mới đây, Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh, trong đó có các thành viên của “Phụ nữ Chăm An Giang” tổ chức hội nghị, triển khai thành lập mô hình “Phụ nữ Chăm An Giang tương thân, tương ái giúp vốn làm ăn giảm nghèo”.

Theo đó, ngoài việc hỗ trợ thường niên về gạo, nhu yếu phẩm, nhà ở cho chị em có hoàn cảnh khó khăn như trước giờ vẫn thực hiện, tiến tới triển khai hỗ trợ vốn vay không lãi suất phát triển mô hình kinh tế ngay tại gia đình. Cụ thể, mỗi mô hình được vay từ 5-10 triệu đồng, hoàn trả chậm trong vòng 1 năm. Sau đó, được hoàn vốn, tiếp tục xoay vòng cho hoàn cảnh khác...

Trong năm 2020 và 2021, “Phụ nữ Chăm An Giang” hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho 5 chị em (5 triệu đồng/trường hợp) để mua sắm, mở rộng hoạt động kinh doanh, mua bán. “Khi được hỗ trợ, các chị em rất vui mừng, phấn khởi, được tiếp thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Tuy số vốn hỗ trợ ban đầu không nhiều, nhưng có thể giúp các chị vừa ở nhà chăm sóc con cái, vừa mua bán phụ thêm thu nhập” - chị Sity Hara tâm sự.

Trong Tháng Ramadan vừa rồi, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Trương Hoàng Trọng đến thăm, tặng quà cho Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh. Trong buổi gặp mặt, ông Trương Hoàng Trọng đề nghị ban đại diện thống kê hộ khó khăn về nhà ở gửi về tỉnh, từ đó có hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Chăm có được nhà ở, an cư lạc nghiệp.

Trên cơ sở hoạt động của mô hình “Phụ nữ Chăm An Giang”, UBMTTQVN tỉnh rà soát danh sách hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, để có hỗ trợ cho bà con thoát nghèo bền vững. Cụ thể, về chính sách an sinh xã hội (chăm lo người già neo đơn, bệnh tật…), hoạt động vay vốn với lãi suất ưu đãi (từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh)… UBMTTQVN tỉnh sẽ chỉ đạo MTTQ cơ sở phối hợp các tổ “Phụ nữ Chăm An Giang” nắm tình hình thực tế, theo sát hội viên để hỗ trợ kịp thời.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích