Tiếp sức thanh niên dân tộc thiểu số Khmer

23/10/2024 - 07:42

 - Bằng những việc làm thiết thực, Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) huyện Tri Tôn đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để hội viên, thanh niên, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer tiếp cận với nguồn vốn, các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Từ đó, hun đúc tinh thần khởi nghiệp, phát huy sức trẻ, trí tuệ, ra sức phấn đấu làm giàu cho bản thân và xã hội.

Nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số Khmer phát triển kinh tế

Thanh niên dân tộc thiểu số Khmer mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả cao

Tri Tôn là huyện có yếu tố đặc thù vùng biên giới, tôn giáo, dân tộc, có gần 34% dân số là đồng bào DTTS Khmer. Trong những năm qua, để thanh niên trên địa bàn huyện, đặc biệt là thanh niên DTTS Khmer có điều kiện để lập thân, lập nghiệp, Huyện đoàn, Hội LHTN Việt Nam huyện Tri Tôn và các xã, thị trấn đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, như: Giới thiệu tiếp cận nhiều nguồn hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh; chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội…

Tốt nghiệp ngành Khoa học cây trồng tại Trường Đại học Cần Thơ và xin được công việc đúng chuyên ngành, nhưng anh Chau Kim Sêng đã quyết định trở về quê khởi nghiệp với mô hình nông nghiệp tuần hoàn: Nuôi cá kết hợp trồng rau thủy canh. Lợi thế của mô hình là cây rau sẽ hấp thu dinh dưỡng từ nước của quá trình nuôi cá, nên không cần sử dụng phân bón, dưỡng chất. Bên cạnh đó, nước thải nuôi cá sau khi đi qua hệ thống rau thủy canh sẽ được lọc hết chất thải rồi cung cấp trở lại bể cá, nên không cần phải thay nước thường xuyên.

Anh Sêng cho biết thêm, rau trồng thủy canh chủ yếu là rau muống, cải ngọt, rau má… nên có thể cho thu hoạch hàng ngày. Sản phẩm được cung cấp cho tiểu thương tại chợ địa phương. Sau khi thu hoạch, giống mới sẽ bỏ vào ô trống, khoảng hơn 10 ngày sau lại tiếp tục cho thu hoạch. Cùng với đó, bồn thường được nuôi cá trê, khoảng 2,5 - 3 tháng sẽ thu hoạch, mỗi đợt thu được khoảng 800kg cá/bồn. “Bình quân mỗi tháng, gia đình tôi thu lợi nhuận trên 10 triệu đồng” - anh Sêng chia sẻ thêm.

Nhằm tạo điều kiện cho anh Chau Kim Sêng phát triển mô hình, Huyện đoàn, Hội LHTN huyện Tri Tôn đã đề xuất với Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh hỗ trợ vốn vay 110 triệu đồng để đầu tư, mua sắm máy móc, trang thiết bị. Trong đó, nguồn vốn khởi nghiệp Tỉnh đoàn hỗ trợ 80 triệu đồng, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ 30 triệu đồng. Anh Chau Kim Sêng chia sẻ: “Có được nguồn vốn vay, tôi mở rộng mô hình tại xã Ô Lâm, tiếp tục đầu tư thêm 2 bồn xi-măng thả nuôi các loại cá đặc sản: Cá lóc, cá heo đuôi đỏ, cá chình... có giá trị kinh tế cao. Ngoài bán trực tiếp, tôi còn bán trên mạng thông qua các buổi livestream nên đảm bảo thu nhập”.

Để thanh niên sinh sống vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện lập nghiệp, Hội LHTN huyện Tri Tôn thông qua Hội LHTN tỉnh vận động Trung tâm Hỗ trợ thanh, thiếu nhi Việt Nam hỗ trợ 30 con bò giống sinh sản cho 30 đoàn viên, thanh niên đồng bào DTTS Khmer nghèo, cận nghèo xã Lê Trì. Ngoài ra, để việc chăn nuôi thuận lợi, thanh niên nhận hỗ trợ bò giống còn được tập huấn “Kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản”, chuyển giao kỹ thuật từ khâu chọn giống, xây dựng chuồng trại, nguồn thức ăn, chăm sóc bò mang thai và bê con, cách phòng và điều trị một số bệnh thường gặp trên bò…

Chủ tịch Hội LHTN huyện Tri Tôn Lê Thị Quyền Trang cho biết, thời gian tới, các cấp hội trên địa bàn huyện sẽ phối hợp tổ chức Đoàn thanh niên trong huyện Tri Tôn tiếp tục tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ thanh niên phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác thanh niên đang hoạt động hiệu quả. Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình, cách làm hay, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào lập thân, lập nghiệp của thanh niên trên địa bàn toàn huyện… Từ đó, phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích của thanh niên trong phát triển kinh tế địa phương.

ĐỨC TOÀN